Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 50 – 70 ngàn đồng/bao (25kg) so với thời điểm đầu năm 2022. Do vậy, nông dân chăn nuôi tại tỉnh Bến Tre lo ngại tái đàn khi đang chuẩn bị vào đợt chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm.
Đang chuẩn bị vệ sinh chuồng trại để thả gà nuôi vụ mới nhưng bà Nguyễn Thị Thu, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, lo ngại giá thức ăn đang tăng cao, nếu đầu tư vào lúc này thị trường xuất bán gà thịt không tăng xem như lỗ. Bà Thu cho biết, sau Tết Nguyên đán đến nay giá thức ăn tăng 5 lần, mỗi lần tăng từ 8 – 10 ngàn đồng/bao. Hiện giá thức ăn cho gà từ 350 – 370 ngàn đồng/bao (25 kg). Bên cạnh đó, chi phí vật tư thuốc, vệ sinh chuồng trại đều tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu nhận định, với chi phí tăng như hiện nay, giá bán gà thịt phải từ 65 – 70 ngàn đồng/kg mới hoàn vốn. Nếu xuất chuồng giá thấp xem như cầm chắc lỗ. Nhà vườn hiện nay lo ngại không dám tái đàn, bà Thu cũng chỉ thả khoảng 1.000 con gà, giảm hơn 3.000 con so với các năm trước. Bà Thu mong muốn có chính sách ổn định giá thức ăn, kéo giảm giá xuống để giảm chi phí trong chăn nuôi.
Người dân mong có chính sách ổn định giá thức ăn chăn nuôi để an tâm tái sản xuất. Ảnh: P. Hậu
Cùng nỗi lo với bà Thu, anh Trần Văn Hai, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam lo lắng khi tái đàn heo trong thời điểm giá thức ăn tăng cao như hiện nay. Anh Hai cho hay, dự định nuôi hơn 300 con heo thịt để phục vụ thị trường cuối năm. Nhưng hiện nay giá thức ăn tăng cao, anh giảm đàn, chỉ nuôi khoảng 100 con.
Theo anh Trần Văn Hai, chi phí đầu tư cho 1 con heo đến khi xuất chuồng hơn 5 triệu đồng/con gồm: heo giống khoảng 1 triệu đồng/con; thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng/con; thuốc tiêm ngừa bệnh, thuốc điều trị…, chưa tính công chăm sóc và đầu tư chuồng trại. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi không có lời.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi vừa bị ảnh hưởng dịch bệnh, giá nông sản xuống thấp, thậm chí không bán được, nguồn vốn đầu tư cạn kiệt, nên khó lòng phục hồi như trước đây. Anh Trần Văn Hai lý giải, lúc trước chi phí thức ăn từ 2,3 – 2,5 triệu đồng/con là xuất chuồng nhưng hiện nay thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi xem như không có lợi nhuận. Anh Hai chia sẻ, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, ổn định giá thành để người chăn nuôi an tâm sản xuất.
Chị Phan Thị Bình, cơ sở bán thức ăn chăn nuôi tại huyện Giồng Trôm cho hay, tính từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi heo, gà có 17 lần tăng giá, tổng cộng số tiền các lần tăng giá từ 110 – 140 ngàn đồng/bao (25 kg). Các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đều tăng. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng, nguyên liệu chế biến thức ăn được nhập khẩu tăng lên làm cho giá thành thức ăn chăn nuôi tăng lên. “Hiện nay, người dân lo ngại tái đàn vì giá thức ăn tăng cao, người dân không dám đầu tư. Do vậy, cần có chính sách hợp lý để ổn định giá thức ăn chăn nuôi, giúp người dân an tâm tái sản xuất sau khi bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19”, chị Phan Thị Bình chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có tổng đàn heo hơn 400 ngàn con, đàn gia cầm hơn 8 triệu con, đàn bò hơn 220 ngàn con, đàn dê hơn 170 ngàn con… do vậy cần nguồn thức ăn rất lớn, nhất là đối với chăn nuôi heo, gà.
Phúc Hậu
Nguồn: Báo Đồng Khởi