(Người Chăn Nuôi) – Trong 6 tháng đầu năm, giá các nguyên liệu thức ăn đều giảm, trong đó, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (23,7%). Điều này kéo theo giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng giảm, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Diễn biến thị trường
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) 6 tháng đầu năm nay đạt 9,8 triệu tấn, trong đó thức ăn cho heo đạt 5,88 triệu tấn (chiếm khoảng 60%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 3,67 triệu tấn (chiếm khoảng 37,4%), còn lại là thức ăn cho vật nuôi khác (chiếm khoảng 2,8%). So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thức ăn cho heo tăng 6,4%, thức ăn cho gia cầm giảm 10%.
Ảnh: CCN
Về tình hình nhập khẩu nguyên liệu TĂCN, theo số liệu báo cáo của các đơn vị kiểm tra, ước tính đến hết tháng 6/2024, cả nước đã nhập khẩu 9,94 triệu tấn (giá trị 3,5 tỷ USD), tăng 20,9% về khối lượng và tăng 3,0% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm TĂCN đạt khoảng 0,8 tỷ USD
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, giá các nguyên liệu thức ăn đều giảm, trong đó, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (23,7%); giá DDGS giảm 23,5%; nguyên liệu giảm thấp nhất là cám chiết ly giảm 3,4%. Giá TĂCN thành phẩm cũng theo xu hướng giảm, thức ăn hỗn hợp heo thịt (vỗ béo từ 60kg trở lên) giảm 2,8%; thức ăn hỗn hợp gà thịt (lông màu) giảm 9,1%; thức ăn hỗn hợp gà thịt (lông trắng) giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, mặc dù giá các nguyên liệu và TĂCN thành phẩm theo xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch COVID-19, một phần là do thời điểm đầu năm, các nhà máy sản xuất TĂCN vẫn đang sử dụng nguyên liệu giá cao đã nhập từ cuối năm trước đó. Hiện nay, hầu hết các nguyên liệu chính nhập khẩu làm TĂCN có thuế suất bằng 0%, ngoại trừ một số nguyên liệu có quy định thuế suất nhập khẩu như ngô 2%, khô dầu đậu tương 2%, lúa mỳ 0% để khuyến khích sản xuất trong nước.
Cục Chăn nuôi dự báo, thời gian tới, do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá TĂCN thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm từ nay tới cuối năm và sang đầu năm tới, tuy nhiên khó trở lại mức giá thời điểm trước dịch.
Giám sát chặt chất lượng
Hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,3 triệu tấn. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 50,5% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 49,5% về công suất thiết kế). 100% cơ sở sản xuất TĂCN trong nước thuộc sở hữu tư nhân. Khoảng 60% cơ sở đã đầu tư công nghệ đạt trình độ tiên tiến và dây chuyền sản xuất tự động, 20% cơ sở đạt trình độ bán tự động và khoảng 20% cơ sở sản xuất thủ công với công suất thiết kế chỉ đạt dưới 30.000 tấn/năm. Trên 80% số cơ sở có áp dụng ít nhất một hệ thống quản lý chất lượng như ISO, HACCP, GMP hoặc tương đương, trong đó nhóm cơ sở sản xuất TĂCN có vốn nước ngoài đạt tỷ lệ 100%.
Cục Chăn nuôi sẽ đẩy mạnh quản lý chất lượng, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong TĂCN. Ảnh: ST
Thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã tiếp nhận và phối hợp xử lý 24 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất TĂCN; đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá đối với 9 cơ sở. Ngoài ra, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá giám sát 28 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất TĂCN. Hiện nay, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng TĂCN nhập khẩu được thực hiện qua hệ thống một cửa quốc gia.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, thời gian tới, Cục tiếp tục thực hiện kiểm tra giám sát chất lượng TĂCN, nhất là TĂCN sản xuất trong nước, TĂCN nhập khẩu thuộc diện hậu kiểm và miễn giảm kiểm tra chưa được các cấp địa phương và Trung ương quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu TĂCN trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng TĂCN. Cùng đó, tăng cường quản lý chất lượng TĂCN, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong TĂCN; tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm.
Thùy Khánh