Giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng từ 30 – 40% so với trước. Theo đó, giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi đã tăng lên mặt bằng giá mới. Cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều gặp khó trước thực trạng mức giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Tuy là nước có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhưng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao có nguyên nhân là hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đội lên cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hình thành mặt bằng giá mới
Gần 1 tháng trở lại đây, giá heo hơi liên tục trên đà tăng giá và hiện giá heo hơi xuất chuồng đang dao động từ 46 – 50 ngàn đồng/kg, tăng cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Mặt hàng gà công nghiệp từng giảm sâu dưới 10 ngàn đồng/kg hiện cũng tăng lên mức 26 – 28 ngàn đồng/kg. Giá các sản phẩm chăn nuôi tăng hơn nhiều so với trước nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thoát được cảnh thua lỗ. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi hình thành mặt bằng giá mới.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, nền kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế không có phế phẩm, tất cả những chất thải, những phế thải nông nghiệp sẽ là đầu vào cho một ngành khác, trong đó có những ngành có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi, thủy sản và làm chế phẩm sinh học. Vấn đề là chúng ta có thể làm được hay không để giảm sự phụ thuộc từ phân bón đến thuốc nhập khẩu. |
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, bởi đây là yếu tố chiếm tới 65 – 70% trên tổng chi phí. Mỗi năm ngành chăn nuôi và thủy sản trong nước cần tới 32 – 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Trong đó, hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu có sẵn phối trộn để cho gia súc, gia cầm ăn, không phải dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Còn lại tổng sản lượng 26 triệu tấn gồm thức ăn chăn nuôi và thủy sản để phục vụ cho lượng lớn sản phẩm chăn nuôi, để từ đó cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu một sản lượng lớn, khoảng gần 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là bắp, đậu nành, cám mì, bã ngô… về làm thức ăn chăn nuôi.
Theo tính toán của người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí đầu vào khác đều tăng cao khiến giá thành sản xuất trong chăn nuôi đã hình thành mặt bằng giá mới với mức tăng hơn rất nhiều so với trước.
Ông Phạm Minh Đạo, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) lo lắng, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi có loại cả chục lần tăng giá, tương đương mức tăng từ 30 – 40% so với năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi heo đội lên rất cao so với trước. Ông Đạo so sánh: “Trước đây, giá thành sản xuất 1 kg heo hơi khi người chăn nuôi chủ động sản xuất được con giống chỉ khoảng 42 – 45 ngàn đồng/kg. Hiện nay, nhiều trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi buộc phải mua con giống bên ngoài với giá cao, cộng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chưa từng có như thời gian gần đây khiến giá thành sản xuất lên đến 60-65 ngàn đồng/kg heo hơi, cao hơn rất nhiều so với vài năm trước đó”.
Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng rất khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi đội lên cao trong khi giá heo hơi giảm rất thấp trong suốt nhiều tháng qua. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam (tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện các sản phẩm từ heo, thịt gia cầm, trứng đều đang thấp hơn giá thành sản xuất. Trong đó, giá thức ăn gia súc tăng hơn 30%, tương lai còn có thể kéo dài tình trạng không giảm. Giá nhân công, đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh… đều tăng trong khi sức mua của thị trường vẫn yếu. Việc tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi đều đang lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề.
Đồ họa thể hiện kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2021 và số lượng doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Sở Công thương, Bình Nguyên – Đồ họa: Hải Quân)
Chỉ ra khó khăn của người chăn nuôi, GS Lã Văn Kính, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi nhận xét, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi hiện rất bất hợp lý, trong khi giá heo hơi rất rẻ thì giá thịt heo thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao. Trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là làm sao chi phí đầu vào rẻ hơn, giá bán cao hơn giá thành để đảm bảo được lợi nhuận, trang trải cuộc sống của mình.
Ông Kính mong muốn: “Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi, nhất là giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Nếu doanh nghiệp muốn tăng giá phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm”.
Yếu thế vì phụ thuộc nhập khẩu
Vấn đề nổi cộm hiện nay là giá mọi chi phí đầu vào trong sản xuất chăn nuôi đều tăng. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là câu chuyện toàn cầu. Trong lĩnh vực chăn nuôi, vấn đề này khó khăn, thách thức hơn các ngành sản xuất khác vì chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh. Sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường nhập khẩu nên càng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao.
Một trại chăn nuôi heo của người dân tại H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai)
TS Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Olmix (Pháp) phân tích, có 3 nhóm lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trên toàn cầu. Đầu tiên là do nguồn nguyên liệu dự trữ bị sụt giảm rất lớn; ví dụ như bắp giảm 30%, lúa mì giảm 22%… Nguyên nhân giảm nguồn nguyên liệu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trồng trọt, cụ thể là hạn hán ở Mỹ, Nga, Brazil và lũ lụt ở Trung Quốc, Pháp. Yếu tố thứ 2 khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do chi phí vận chuyển tăng cao. Thứ 3 là nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của nhiều nước rất lớn. Cụ thể như Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của họ trong những tháng đầu năm tăng gấp nhiều lần.
Tại buổi đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào ngày 26/10, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện nông dân, doanh nghiệp đều quan tâm đến câu chuyện đầu vào trong sản xuất từ vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, bao bì… đều tăng giá. Nguyên nhân chuỗi toàn cầu bị đứt gãy và đây là cú sốc tăng giá thế giới. Và cú sốc này càng cho thấy rõ nền nông nghiệp của Việt Nam tính tự chủ chưa cao, lệ thuộc rất nhiều vào nước ngoài vì 50 – 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là nhập khẩu, thậm chí có nguyên liệu nhập đến 70 – 80%.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Việt Nam tự hào là một đất nước nông nghiệp, ngô và đậu tương có thể sản xuất trong nước nhưng tại sao mỗi năm vẫn phải chi hàng tỷ đô để nhập khẩu về làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Khi cử tri đặt ra vấn đề này khiến cho chúng ta – những người làm nông nghiệp phải suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết, cái gì thoát ra được thì sẽ thoát ra còn cái gì không thoát ra được thì phải chấp nhận và tìm cách để thích nghi”.
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai