Từ cuối tháng 5, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai bắt đầu tăng. Đến nay, giá đạt mức 62 – 64 nghìn đồng/kg, tăng 18 – 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 1 năm qua, giúp nhiều hộ chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ, chuyển sang có lãi.
Vừa xuất bán đàn lợn 40 con với giá 64 nghìn đồng/kg, bà Nguyễn Thị Nga – chủ trang trại lợn tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) thở phào nhẹ nhõm vì thoát cảnh thua lỗ. Bà Nga phấn khởi cho biết: “Với giá bán này, mỗi con lợn xuất bán, tôi lãi hơn 1 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đây là lứa lợn thứ hai tôi xuất bán có lãi, dù chưa thể bù vào khoản thua lỗ trước đó”.
Trước đó, giá lợn hơi xuống thấp, bà Nga liên tục phải bán dưới giá thành. Đỉnh điểm, hồi tháng 1 và tháng 2, bà bán lợn hơi ở mức 45 – 47 nghìn đồng/kg. Chỉ trong 2 tháng, bà chịu lỗ hơn 240 triệu đồng. Giá lợn hơi tăng dần, bà Nga cũng bớt lo hơn.
“Tôi mong giá lợn hơi được duy trì trên mức 60 nghìn đồng/kg. Khi đó người chăn nuôi mới có lợi nhuận và yên tâm đầu tư tái đàn, duy trì sản xuất”, bà Nga nói.
Bà Nguyễn Thị Nga (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) chăm sóc đàn lợn.
Còn bà Nguyễn Thị Sen (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, giá lợn hơi vẫn ở mức dưới 50 nghìn đồng/kg. Thời điểm đó, tôi mất ăn mất ngủ bởi lứa lợn 200 con trong chuồng đã đạt trọng lượng trung bình 120 kg/con. Thương lái hỏi mua nhưng giá rẻ quá, bán thì lỗ hàng trăm triệu đồng. Tôi tiếc nên giữ lại, cố chờ giá nhích lên thêm chút để bớt lỗ”.
Với việc tăng giá này, những trang trại chăn nuôi tự chủ được con giống như hộ bà Sen đã có lãi 1 – 1,2 triệu đồng/con. Còn những hộ nuôi phải mua con giống thì lãi ít hơn, hộ nuôi nhỏ lẻ cũng hòa vốn. Vui hơn là giá thức ăn chăn nuôi sau hai đợt điều chỉnh đã giảm khoảng 10 nghìn đồng/bao. Không những vậy, dịp này thị trường tiêu thụ tốt, lợn cũng không khó bán như trước.
Tại huyện Bảo Thắng – vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn phát triển ổn định. Hiện toàn huyện duy trì tổng đàn ở mức 123 – 125 nghìn con, với 87 trang trại và hơn 5.100 hộ chăn nuôi lợn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 1.800 tấn/tháng.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Hiện giá thức ăn chăn nuôi đang có chiều hướng giảm, giá lợn thời gian tới vẫn có xu hướng tăng do nguồn cung vừa qua sụt giảm, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên địa bàn được khống chế nên người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Chúng tôi chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường nhằm ổn định tổng đàn lợn, duy trì tỷ lệ tăng trưởng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện là hơn 430.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 24.000 tấn.
Dịch bệnh và giá lợn giảm thấp đầu năm 2023 là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ phải bỏ đàn hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh khiến nguồn cung dài hạn giảm mạnh. Đến nay, giá lợn hơi phục hồi là phù hợp quy luật cung – cầu của thị trường. Với mức giá như hiện nay, các hộ chăn nuôi thoát khỏi cảnh thua lỗ. Những hộ chăn nuôi không bị dịch bệnh chắc chắn có lãi.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu về thịt lợn, thịt gà sẽ tăng cao. Do vậy, giá thịt lợn hơi, thịt gà dự báo cũng sẽ tăng.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chăn nuôi lợn của tỉnh thời gian qua đã có bước phát triển mới, vùng thấp chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô chăn nuôi trang trại. Hiện toàn tỉnh có gần 200 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (300 – 2.000 con), 3 cơ sở chăn nuôi theo chuỗi và liên kết chăn nuôi lợn. Trước tình hình giá lợn tăng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này.
Hộ chăn nuôi lợn yên tâm tái đàn.
Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định cần chuyển đổi phương thức chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở vùng thấp sang chăn nuôi trang trại an toàn dịch bệnh (đặc biệt với bệnh dịch tả lợn châu Phi), an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi lợn vùng cao dựa vào cộng đồng thôn, bản.
Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lợn an toàn khép kín từ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi đến bàn ăn nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và hiệu quả chăn nuôi lợn. Khai thác lợi thế của từng địa phương, vùng để phát triển chăn nuôi lợn ngoại công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ hoặc chăn nuôi lợn bản địa hướng hữu cơ.
Thanh Nam – Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai