Thời điểm cuối năm, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng (LMLM), dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, cúm… thường xuất hiện. Vì vậy, công tác phòng-chống dịch bệnh động vật đang được cơ quan chuyên môn tỉnh Gia Lai triển khai quyết liệt nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có trên 429.600 con bò, 15.780 con trâu, 535.000 con heo và khoảng 4 triệu con gia cầm. Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 24-12-2021 của UBND tỉnh, đến nay, 16/17 địa phương đã xuất kinh phí 11,5 tỷ đồng triển khai kế hoạch phòng-chống bệnh động vật. Toàn tỉnh đã tiêm phòng được 8.598 liều vắc xin dại cho đàn chó, mèo, đạt 37% kế hoạch; 76.930 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò, đạt 26,7% kế hoạch; 74.550 liều vắc xin LMLM trâu, bò, đạt 23% kế hoạch… Ngoài ra, các địa phương còn vận động người dân, doanh nghiệp tiêm phòng được 11 triệu liều vắc xin các loại.
Mặc dù vậy, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn xảy ra. Cụ thể, bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện rải rác tại huyện Krông Pa và Ia Pa với 240 con heo mắc bệnh. Cơ quan chuyên môn đã tiêu hủy số heo mắc bệnh với tổng trọng lượng 8.551 kg. Hiện dịch bệnh đã được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, từ ngày 6 đến 29-10, bệnh LMLM xuất hiện trên đàn bò tại một số xã như Ia Rtô, Ia Sao, Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) và Ia Broăi (huyện Ia Pa) với 331 con bò bị mắc bệnh của 98 hộ ở 14 thôn, làng. Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân điều trị khỏi bệnh cho gần 100 con.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang và nhân viên thú y xã Đak Yă hướng dẫn người dân chăm sóc đàn bò. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh LMLM, mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ 80 ngàn liều vắc xin LMLM và 2.500 lít hóa chất Benkocid cho tỉnh Gia Lai. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò của thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa và các xã giáp ranh của huyện Krông Pa và Kông Chro; thời gian triển khai tiêm phòng từ ngày 1-11 đến 15-11. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT còn phân bổ hóa chất Benkocid cho các địa phương triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để phòng-chống dịch bệnh.
Bà Đoàn Thị Phú Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho biết: Ngay sau khi xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi và LMLM trên địa bàn huyện, đơn vị đã tổ chức tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch, khống chế không để phát sinh ổ dịch mới. Đến nay, trong số 76 con bò mắc bệnh LMLM tại xã Ia Broăi có 53 con đã được điều trị khỏi bệnh, số còn lại đang dần bình phục. “Từ nguồn ngân sách hỗ trợ của huyện, Trung tâm đã mua vắc xin LMLM hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo tại 9 xã tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, từ nguồn vắc xin LMLM và hóa chất Benkocid do Sở Nông nghiệp và PTNT phân bổ, đơn vị đang bắt đầu triển khai tiêm phòng cũng như tiêu độc khử trùng môi trường nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên đàn gia súc”-bà Hòa thông tin.
Tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Nguyên nhân là do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, Gia Lai là ổ dịch cũ của các loại dịch bệnh như: LMLM, dịch tả heo châu Phi và viêm da nổi cục nhưng việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh tại các địa phương chưa đồng bộ, chưa tiêm đủ số lượng và số lần tiêm phòng trong năm. Hiệu lực vắc xin tiêm trên đàn vật nuôi trong năm 2021 đã hết, sức đề kháng của gia súc bắt đầu giảm nên nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất lớn.
Trước nguy cơ xuất hiện bệnh cúm gia cầm, ngày 31-10, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch cúm gia cầm trong nước và khu vực để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn xử lý nhanh, đúng quy định; tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người để khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Thời điểm cuối năm thường xuất hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do đó, trong thời gian tới, Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân biện pháp phòng-chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng; khuyến khích nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và chủ động ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết”.
Nguyễn Diệp