Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm được các cấp chính quyền tại Gia Lai triển khai quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cuối năm 2023, tổng đàn heo của tỉnh là 783 ngàn con, đàn bò 452 ngàn con, đàn trâu hơn 14 ngàn con và đàn gia cầm hơn 7,4 triệu con.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 322 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Đức Cơ, Krông Pa; còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Sỹ Quý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê – cho biết: Trên địa bàn huyện có 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Mỗi ngày, cơ sở này giết mổ 10 – 20 con heo cung cấp cho các chợ. Riêng trong dịp Tết Giáp Thìn, dự kiến cơ sở giết mổ khoảng 40 con heo/ngày.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phân công cán bộ thú y xuống cơ sở kiểm soát từ lúc heo nhập vào và sau khi giết mổ xong sẽ lăn dấu kiểm dịch trước khi đưa ra các chợ tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra đột xuất tại một số xã có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì cho hay: Năm 2023, đàn gia súc của huyện phát triển ổn định, các loại dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ nhờ tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 10 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với công suất 1-2 con heo/ngày. Để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn trong dịp Tết và ngăn chặn các loại dịch bệnh, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ thú y kiểm soát tại các chợ, đồng thời nhắc nhở tiểu thương mua bán thịt phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, tại một số xã chưa có cán bộ thú y hoặc kiêm nhiệm nên việc kiểm soát cũng có những khó khăn nhất định.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 230/SNNPTNT-CCCNTY về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 3-11-2023 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 4727/KH-SNNPTNT ngày 1-12-2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2024.
Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai nhiệm vụ trọng tâm quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn quản lý theo nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 9-1-2024 của UBND tỉnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện theo quy trình đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn sinh học; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát dịch bệnh dưới xã, giám sát dịch bệnh dưới hộ chăn nuôi; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm từ khâu giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ động vật.
Riêng 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay, tham gia vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan chuyên môn túc trực 24/24 giờ để kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, sản phẩm động vật ra vào tỉnh nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Hoạt động chăn nuôi của tỉnh chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, nông hộ (chiếm 70%), chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, dịch bệnh và an toàn sinh học; việc chăn nuôi trang trại chưa gắn với giết mổ tập trung.
“Thời gian tới, các trạm kiểm dịch động vật phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát 24/24 giờ đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra sản phẩm động vật giết mổ trước khi đưa ra chợ tiêu thụ để giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng”-ông Dũng thông tin thêm.
Nguyễn Diệp