Anh Chau Sóc Phanh, người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi heo ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tôi vừa bán lứa heo giống với giá gần 2 triệu đồng/con cách đây hơn 1 tháng. Với 3 con heo nái, nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã đặt hàng trước rất lâu nhưng không đủ nguồn cung. Hiện tại, giá heo tăng cao, người nuôi có lợi nhuận tốt”.
Cùng chung nỗi niềm với bà con chăn nuôi thời điểm này, anh Đặng Minh Hào, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng đau đầu vì bài toán chi phí đầu tư chăn nuôi. Anh Hào chia sẻ: “Hiện nay, giá heo giống tăng cao mà nguồn cung cũng khan hiếm, với trang trại lớn như của gia đình thì phải đặt hàng trước của công ty mới có heo giống. Đợt vừa rồi gia đình tôi bán được 400 con heo thịt với giá 80.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/con. Tôi dự định tái đàn với quy mô 400 con, nhưng với chi phí đầu tư tăng cao hơn từ con giống, thức ăn nên lợi nhuận khả năng sẽ giảm”.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh triển khai tiêm ngừa cho đàn heo tại hộ chăn nuôi ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá heo giống hiện nay dao động từ 2 – 2,4 triệu đồng/con dưới 10 kg. Còn tại các công ty chuyên cung cấp heo giống giá có thể lên đến 2,8 triệu đồng/con. Nguồn cung con giống đang khan hiếm, trong khi nhu cầu tái đàn tăng cao, dẫn đến tình trạng sốt giá, khan hàng.
Một trong những nguy cơ lớn nhất của việc tái đàn trong bối cảnh giá con giống cao là dịch bệnh. Khi mật độ chăn nuôi tăng lên, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng cao hơn. Theo các trạm chăn nuôi thú y trên địa bàn tỉnh, việc tái đàn ồ ạt mà không có biện pháp phòng dịch phù hợp có thể dẫn đến những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ để tránh rủi ro. Ngoài ra, sự bất ổn của thị trường tiêu thụ cũng là mối lo ngại lớn.
Để hạn chế rủi ro, Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tái đàn. Thay vì mở rộng quy mô ồ ạt thì có thể theo dõi sát sao diễn biến thị trường để điều chỉnh kế hoạch chăn nuôi phù hợp.
Đồng thời, chi cục còn triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 từ ngày 1-3 đến ngày 31-3-2025. Theo đó, các trạm chăn nuôi thú y tại các địa phương tiến hành triển khai phát quang, quét dọn xung quanh khu vực chăn nuôi; đường ra vào cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Khai thông cống rãnh, thu gom, chôn, đốt phân, rác, chất độn chuồng. Phun hóa chất khử trùng, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, các ổ dịch cũ, hố chôn gia súc, gia cầm và vùng lân cận. Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi ca sản xuất ở nơi giết mổ. Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước khi nhập đàn mới.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, trong quý I, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi… buộc phải công bố dịch. Trong thời gian tới, các trạm chăn nuôi thú y địa phương sẽ tiếp tục giám sát công tác tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2025, thực hiện công tác tiêm phòng thí điểm dịch tả heo châu Phi, giám sát tình hình dịch bệnh và tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Bùi Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, cho biết: Với quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ chiếm đa số, bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần lưu ý chọn mua con giống tại các địa điểm uy tín, chất lượng, tránh trường hợp ham rẻ mà mua con giống trôi nổi có nguy cơ nhiễm phải dịch bệnh cao, gây rủi ro lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, cần nắm bắt thông tin trước khi tái đàn trở lại, nhất là những trường hợp không chăn nuôi thường xuyên hoặc đã dừng chăn nuôi từ lâu thì không nên chạy theo xu hướng, tránh khi thị trường xấu đi sẽ thua lỗ. Bên cạnh đó, khâu vệ sinh chuồng trại cũng cần được đảm bảo nghiêm ngặt, tốt nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giúp tăng hiệu quả và đảm bảo chăn nuôi bền vững.
Mai Thanh
Nguồn: Báo Hậu Giang