Gia cầm thống trị ngành sản xuất thịt thời COVID

(Người Chăn Nuôi) – Tăng trưởng của ngành sản xuất gia cầm sẽ đạt mức cao nhất tại các nước đang phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Chạm mốc 150 triệu tấn

Vào thập kỷ tới, sản xuất thịt của toàn cầu theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) sẽ đạt 366 triệu tấn vào năm 2030, tức là sẽ tăng thêm 40 triệu tấn, trong đó 80% số này sẽ được sản xuất tại các nước đang phát triển. Trong tổng sản lượng thịt dự kiến nói trên, thịt gia cầm sẽ chiếm khối lượng lớn nhất và vượt mức sản lượng trung bình 130 triệu tấn giai đoạn 2018 – 2020 và tăng lên 153 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi mức tăng trưởng sản xuất gia cầm toàn cầu trong thập kỷ tới được dự báo sẽ đạt tốc độ chậm hơn so nhiều năm trước đó, ngành gia cầm sẽ là động lực chính để thúc đẩy sản xuất thịt toàn cầu tăng mạnh cho đến năm 2030 nhờ chi phí sản xuất tương đối thấp hơn so các loại thịt khác, chu kỳ nuôi ngắn hơn, tỷ lệ biến đổi thức ăn tốt hơn và giá bán sản phẩm tốt hơn tại nhiều khu vực. Trong khi đó, sản xuất thịt heo, sản phẩm thịt chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong ngành thịt toàn cầu, được dự kiến đạt sản lượng 127,3 triệu tấn vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 113 triệu tấn suốt giai đoạn 2018 – 2020. Sự tiến bộ về gen di truyền, thực hành quản lý và chăm sóc sức khỏe vật nuôi cũng tiếp tục mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp chăn nuôi và cuối cùng là người tiêu dùng.

Theo OECD – FAO, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành gia cầm hàng năm trong giai đoạn 2012 – 2030 sẽ đạt mức trung bình 1,5%, chậm hơn so mức 2,7% giai đoạn 2011 – 2020. Phần lớn sự tăng trưởng trung bình hàng năm trong sản xuất gia cầm được kỳ vọng từ mức 1% tăng trưởng hàng năm về số lượng gia cầm trong giai đoạn 2021 – 2030.

 

Vùng sản xuất trọng điểm

Trong ngắn hạn, nhà sản xuất gia cầm sẽ hưởng lợi từ tỷ lệ thịt – thức ăn chăn nuôi và nhu cầu nhập khẩu gia tăng trên toàn cầu, trong khi đó châu Á sẽ chiếm phần lớn của sự tăng trưởng trong sản xuất thịt gia cầm trong năm 2020 và 2021, theo FAO. Sau châu Á sẽ là Bắc Mỹ và một số quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu. 

Tại Mỹ, sản xuất thịt gia cầm theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước đạt gần 51 tỷ pound vào năm 2021, tăng hơn 51 tỷ pound vào năm 2022 (hình 1).

dự báo sản lượng gia cầm toàn cầu đến 2030

Brazil, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ dự kiến chiếm gần 61% tổng đầu ra thịt gia cầm toàn cầu vào năm 2021. Trên toàn thế giới, xuất khẩu gia cầm bởi các nước xuất khẩu chính dự kiến tăng 24% trong giai đoạn 2020 – 2022, theo Triển vọng nông nghiệp thế giới USDA.

Brazil sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất gia cầm chính, theo OECD – FAO. USDA dự báo, sản xuất thịt gia cầm của Brazil sẽ tăng từ 13,88 triệu tấn vào năm 2020 lên 14,15 triệu tấn vào năm 2021 (hình 2).

sản xuất và tiêu thụ gia cầm Brazil 2017 - 2021

Dũng Nguyên

         (Theo WorldPoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *