Thời gian qua, giá bò trên thị trường giảm mạnh, người chăn nuôi không có lãi. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi bò vẫn nỗ lực duy trì đàn với hy vọng giá phục hồi trở lại.
Nhiều tháng nay, giá bò giảm khoảng 15 – 25% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn gắn bó với nghề. Để duy trì đàn bò, nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng cỏ, tận dụng bãi chăn thả ở địa phương để giảm chi phí đầu tư thức ăn.
Gia đình ông Đoàn Đức Tuấn, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô), hiện đang duy trì đàn bò nuôi nhốt với số lượng 32 con bò.
Với hệ thống chuồng trại kiên cố, bò được ông bố trí nuôi nhốt riêng cho từng loại như: bò cái sinh sản, bò tơ, bò đực giống, bê và chuồng cách ly.
Những năm qua, việc áp dụng kỹ thuật nuôi bò sinh sản của gia đình ông mang lại hiệu quả nhất định. Ông Tuấn cho biết, năm ngoái, giá trị đàn bò của ông đạt khoảng 600 triệu.
Còn năm nay, nhiều người đến ngã giá đàn bò với giá chỉ khoảng 400 triệu đồng, tức giảm đi 200 triệu đồng. Nguyên nhân do giá bò trên thị trường giảm mạnh.
Trượt giá nhiều như vậy, nên ông vẫn chưa muốn bán đàn bò. Chi phí chăm sóc đàn bò trước đây rơi vào khoảng 500.000 đồng/ngày.
Còn hiện nay, để giảm chi phí, ông đã bố trí đất trồng cỏ, dự trữ rơm khô. “Gia đình sẽ bố trí lại quy mô, số lượng đàn để chăn nuôi. Không vì khó khăn ngắn hạn mà từ bỏ nghề chăn nuôi bò gắn bó nhiều năm với gia đình”, ông Tuấn cho biết.
Tương tự, tại huyện Cư Jút, nhiều hộ dân nuôi bò được hưởng lợi từ nguồn Quỹ hỗ trợ do huyện triển khai. Tuy nhiên, một số hộ dân khi được giải ngân vốn, mua bò về nuôi thì giá bò giảm sâu.
Các hộ nuôi bò tỏ ra lo lắng vì chăn nuôi không có lãi, không phát huy được nguồn vốn hỗ trợ. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện Cư Jút đã thành lập các tổ, nhóm để hỗ trợ bà con trong quá trình chăn nuôi bò.
Ông Đinh Văn Hùng, ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cho biết, khi tham gia vào tổ, nhóm chăn nuôi bò, ông được các tổ chức, các hội chăn nuôi giúp đỡ về kỹ thuật. Vì thế, ông đã duy trì đàn bò một cách ổn định.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Jút, đơn vị đã thành lập các tổ, nhóm nghề nghiệp, trong đó có tổ, nhóm chăn nuôi bò.
Thông qua các tổ, nhóm, hội viên nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc đàn vật nuôi. Đây là một cách giúp người dân duy trì chăn nuôi, phát huy hiệu quả đồng vốn.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có trên 27.300 con bò. Trước tình hình giá bò ở mức thấp, đơn vị đã khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi thị trường, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh để ổn định đàn bò.
Để giúp hộ chăn nuôi bò duy trì đàn an toàn, hiệu quả, các địa phương cần thành lập các tổ nhóm, liên kết trong chăn nuôi. Từ đó, hỗ trợ bà con phòng bệnh, thông tin thị trường tiêu thụ.
Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn, cần tăng cường đầu tư theo hướng công nghệ cao, xây dựng giải pháp ngắn hạn, dài hạn phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ…
Kim Ngân
Nguồn: Báo Đắk Nông