(Người Chăn Nuôi) – Gà Móng là giống gà cổ thuần chủng, chân to, thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Cảo (Hưng Yên). Giống gà Móng vốn du nhập từ Hưng Yên, qua thời gian, giống gà này vẫn giữ được những đặc tính tốt nhất.
Đặc điểm
Ngoại hình con giống: Gà Móng 1 ngày tuổi có màu lông trắng ngà. Khi trưởng thành gà trống có lông màu nâu đỏ, đỏ tía (màu mã lĩnh), gà mái có lông màu nâu nhạt (màu lá chuối khô). Khối lượng trung bình của gà Móng ở 20 tuần tuổi là, con trống hơn 1,8 kg, con mái hơn 1,5 kg. Gà Móng nói chung đều có thân hình chắc khỏe, chân to, mỏ vàng, da chân màu vàng, kiểu mào nụ.
Gà Móng có chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng
Khả năng sinh sản: Gà Móng sau nuôi 21 – 23 tuần tuổi bắt đầu đẻ trứng (báo đẻ). Tỷ lệ đẻ đạt 5% vào 23 – 24 tuần tuổi. Thời gian sinh sản đỉnh cao từ 29 – 30 tuần tuổi. Năng suất trứng ở thế hệ xuất phát đạt 22,51 quả vào tuần thứ 38, thế hệ thứ nhất đạt 23,32 quả, thế hệ thứ 2 là 23,79 quả/mái.
Ưu điểm nổi bật của gà Móng là độ đồng nhất về ngoại hình và độ đồng đều của đàn cao. Gà Móng có khả năng cho thịt cao. Thịt chắc thơm ngon, da giòn. Khi gà béo, giữa lớp thịt và lớp da không có hoặc có rất ít mỡ.
Gà Móng gắn liền với người dân xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam từ xa xưa. Sở dĩ có tên là Móng vì giống gà này là “bản địa”, được người dân nơi đây phát hiện và nhân giống từ thôn Móng (nay là xã Tiên Phong). Cũng nhờ đó, gà Móng được gìn giữ và bảo tồn gen quý và thuần chủng cho đến bây giờ. Đồng thời, mô hình nuôi gà Móng cũng giúp người dân thu lãi cao và có việc làm ổn định.
Cần phát triển nguồn giống
Gà Móng là giống gà nuôi duy nhất được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam từ năm 2003; Từ năm 2005, gà Móng được Viện Chăn nuôi Việt Nam xây dựng dự án bảo tồn gen. Gà Móng là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của xã Tiên Phong nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung bởi thịt thơm, ngon. Vì thế xã Tiên Phong nhiều năm trở lại đây ngày càng nhân rộng giống gà quý hiếm này. Theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi tại Tiên Phong, gà Móng dễ nuôi, cũng chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền như các loại gà khác, chất lượng thịt ngon nên rất được ưa thích, nhất là vào các dịp lễ Tết.
Với diện tích khu trang trại hơn 3 ha, khả năng có thể nhân đàn lên đến trên 10.000 con, trang trại gà Móng của anh Nguyễn Văn Thắm có quy mô lớn nhất tại xã Tiên Phong và cũng là nơi bảo tồn gen giống gà Móng đặc sản khoảng 10 năm nay.
Không chỉ phát triển tại Hà Nam, gà Móng cũng được một số địa phương đưa vào chăn nuôi, giúp cải thiện kinh tế nông hộ. Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình xây dựng mô hình chăn nuôi gà Móng (tỉnh Hà Nam) an toàn dịch bệnh quy mô 500 con ở một hộ gia đình. Trung tâm hỗ trợ tỷ lệ 70% về con giống, lượng thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y và hộ gia đình đối ứng 30%. Đơn vị cũng cử một cán bộ chuyên môn chỉ đạo trong suốt thời gian thực hiện mô hình. Hộ gia đình đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật như: Diện tích chuồng trại, chống nóng, vệ sinh tiêu độc, trấu, cót, chế phẩm, đèn sưởi… Sau gần 4 tháng chăn nuôi, giống gà Móng cho kết quả tốt, ngoại hình đẹp, sinh trưởng và phát triển nhanh, chống chịu bệnh tốt, dễ nuôi, thịt ngon. Với 500 con, trọng lượng xuất chuồng khoảng 2 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%, tổng sản lượng thu 980 kg. Với giá bán 90.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 88,2 triệu đồng và cộng thêm tiền bán phân gà, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi 22 triệu đồng. So với chăn nuôi gà ri lai nuôi cùng thời gian, giống gà Móng nuôi trên đệm lót sinh học cho thu nhập cao gấp gần 2 lần, đặc biệt là kiểm soát được dịch bệnh, hướng đến các tiêu chuẩn theo VietGAP và làm đa dạng giống gà nuôi trên địa bàn tỉnh.
>> Điểm đặc biệt của gà Móng là thịt chắc, thơm, da giòn nên rất được ưa thích, nhất là vào các dịp lễ Tết. Gà Móng được nuôi 6 – 7 tháng mới có thể bán, trọng lượng mỗi con trung bình là 3,5 kg. Nếu chăm sóc tốt gà Móng có thể đạt 4 kg. |