Tại Thừa Thiên – Huế, mặc dù đã được cảnh báo, hướng dẫn nhưng nhiều người vẫn chăn nuôi trâu, bò thả rông trong điều kiện mưa rét, nguy cơ trâu bò bị ngã quỵ rất cao.
Sau khi gieo cấy lúa vụ đông xuân hoàn thành thì nguồn thức ăn trên đồng ruộng không còn. Đây cũng là thời điểm mưa rét nên nhiều hộ lùa trâu, bò về nuôi nhốt chuồng, tránh thiệt hại. Các hộ chủ động dự trữ thức ăn như rơm khô, cỏ, cám, đường… đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ cho trâu bò.
Tuy nhiên, một bộ phận hộ dân còn thiếu chủ động, chủ quan trong bảo vệ đàn gia súc mùa mưa rét. Do thiếu nguồn thức ăn nên các hộ này thả rông trâu, bò, mặc cho thời tiết giá rét. “Bận công việc ngày tết nên thiếu chủ động dự trữ nguồn thức ăn, buộc phải thả bò tự tìm kiếm thức ăn”, anh Nguyễn Thông ở xã Phong Hải (Phong Điền) nói.
Về các vùng nông thôn, miền núi thời điểm này không khó bắt gặp những đàn trâu, bò chăn thả rông trong mưa rét. Hầu hết các hộ nuôi này đều tỏ ra chủ quan, chưa ý thức cao trong chăn nuôi, bảo vệ gia súc mùa giá lạnh.
Nuôi bò thả rông
Từ trước, trong mùa mưa rét, ngành chăn nuôi – thú y cử cán bộ bám cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi, bảo vệ tốt đàn gia súc. Qua kiểm tra, đánh giá của các địa phương, phần lớn các hộ đều chấp hành, đưa trâu, bò về nhốt chuồng, kết hợp dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, chăn thả gia súc trong điều kiện thời tiết mưa lạnh.
Nuôi bò nhốt chuồng an toàn
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh thông tin, cán bộ đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định chăn nuôi gia súc an toàn trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài. Các địa phương, ban ngành theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của không khí lạnh, thông tin kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong ứng phó, phòng chống đói, rét.
Chi cục phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại đảm bảo ấm áp, tránh mưa dột gió lùa. Đối với các hộ không chủ động dự trữ nguồn thức ăn được hướng dẫn giảm đàn. Các hộ nuôi trong vùng thấp trũng trước khi xảy ra rét đậm, rét hại tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài và có rét đậm, rét hại cần có biện pháp giữ ấm cho gia súc. Người dân tuyệt đối không chăn thả rông gia súc, không chăn thả tự do khi xảy ra rét hại. Trâu, bò được đưa về nuôi nhốt có kiểm soát, che chắn, sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải làm áo chống rét cho trâu, bò. Nguồn thức ăn, nước uống phải được chủ động, dự trữ phù hợp với từng đối tượng nuôi và bảo quản tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa rét, kết hợp bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Nuôi trâu thả rông
Các địa phương, hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Khi có dấu hiệu xảy ra dịch phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh đang chủ động triển khai công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò… Các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, vaccine… được dự phòng đầy đủ, chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc.
Các địa phương chủ động bố trí ngân sách để phục vụ công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.
Bài, ảnh: Thế Nhân
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế