Chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 24.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống sẽ hỗ trợ người chăn nuôi bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra cho vật nuôi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng đơn vị thực hiện bảo hiểm chăn nuôi khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch bảo hiểm chăn nuôi đến cơ sở.
Bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 24.6.2022 đến hết ngày 31.12.2025 đối với các loại cây trồng, vật nuôi: Lúa, cà phê, tiêu, điều, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trâu, bò, heo tại 28 tỉnh, thành trong nước, trong đó Bình Định được Chính phủ chọn thực hiện bảo hiểm chăn nuôi (BHCN) cho 3 loại vật nuôi là trâu, bò, heo.
Từ nay đến năm 2025, các hộ chăn nuôi bò trong tỉnh tiếp tục được hỗ trợ phí bảo hiểm chăn nuôi. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo Sở NN&PTNT, các loại vật nuôi thuộc diện được BHCN đều có giá trị kinh tế lớn đã và đang phát triển theo hướng tăng chất lượng, gắn với an toàn dịch bệnh. Đến cuối tháng 11.2022, toàn tỉnh có gần 319 nghìn con trâu, bò và hơn 662 nghìn con heo. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi gia súc vẫn là lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… Chính sách BHCN mới là giải pháp hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại cho người dân chẳng may gặp rủi ro.
Theo quy định tại Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 24.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm/năm; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi tham gia BHCN bị thiệt hại do thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt sạt lở đất, nắng nóng), dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận (bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, nhiệt thán…) sẽ được DN bán BHCN bồi thường thiệt hại. Để chính sách đi vào cuộc sống, mới đây UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty Bảo Minh Bình Định (đơn vị được tỉnh chọn thực hiện BHCN) cùng chính quyền các địa phương triển khai Quyết định số 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho hay: Chi cục đã chủ động làm việc với Công ty Bảo Minh Bình Định để bàn cách triển khai chính sách BHCN. Chúng tôi sẽ chủ động khảo sát đàn trâu, bò, heo trên phạm vi toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân; phối hợp với chính quyền các địa phương lập danh sách các đối tượng chăn nuôi trâu, bò, heo trên địa bàn thuộc diện được hỗ trợ BHCN, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời phối hợp với Công ty Bảo Minh Bình Định tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia BHCN.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trên cơ sở định mức hỗ trợ của Trung ương, danh sách đối tượng được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ phí BHCN, Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán ngân sách hỗ trợ phí BHCN theo quy định.
Về phía đơn vị thực hiện BHCN cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chính sách BHCN đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ông Lê Văn Tấn, Trưởng Phòng Kế toán tổng hợp (Công ty Bảo Minh Bình Định), cho biết: Công ty đã quán triệt việc triển khai chính sách BHCN đến 5 văn phòng đại diện tại 5/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đầu năm 2023, Công ty sẽ thực hiện BHCN tại các địa phương có đàn gia súc lớn, như: Hoài Ân, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, sau đó triển khai tại các địa phương còn lại. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tại các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHCN; ký hợp đồng với UBND các xã đại diện cho nông dân. Chính sách BHCN theo quy định mới mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, chắc chắn số hộ tham gia BHCN sẽ nhiều hơn, nên Công ty sẽ huy động nhân lực, nỗ lực, quyết tâm sớm đưa chính sách BHCN vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh thu cho DN.
Phạm Tiến Sỹ
Nguồn: Báo Bình Định