(Người Chăn Nuôi) – Giá gia cầm trong năm 2024 ghi nhận một vài biến động, trong đó đáng chú ý là xu hướng tăng của một số sản phẩm.
Thời điểm tháng 02/2024, giá gà lông màu nuôi công nghiệp đạt cao nhất ở mức 50.000 đồng/kg, sau đó giảm nhẹ vào tháng 3, 4, 5 và giảm mạnh vào tháng 6. Đến cuối tháng 6, giá gà công nghiệp lông màu chỉ còn 43.000 đồng/kg. Trong quý III/2024, giá dao động từ 38.000 – 48.800 đồng/kg và sang quý IV, giá theo xu hướng tăng cho đến cuối năm 2024. Thời điểm hiện tại, giá bình quân trên 50.000 đồng/kg.
Nhu cầu thịt gia cầm dịp Tết có thể tăng trên 20%, trong đó hơn 2/3 là thịt gà. Ảnh: ST
Nếu như gà lông màu nuôi công nghiệp được giá thì gà lông trắng giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành diễn ra trong suốt 6 tháng đầu năm 2024. Tháng 01/2024 giá trung bình là 26.000 đồng/kg và có xu hướng tăng, đạt cao nhất ở tháng 02 (32.000 đồng/kg), đến thời điểm cuối Quý II/2024 giá giảm nhẹ và duy trì ở mức 30.000 đồng/kg.
Đối với gà lông trắng, trong quý III/2024, giá trung bình từ 28.000 – 34.000 đồng/kg; thời điểm quý IV, giá dao động lên xuống không ổn định, có thời điểm, giá có sự phân cách rõ rệt, các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ dao động từ 42.000 – 44.000 đồng/kg, khu vực Nam Trung Bộ dao động từ 34.000 – 40.000 đồng/kg, còn giá tại khu vực phía Nam và Tây Nguyên dao động từ 31.000 – 32.000 đồng/kg. Hiện tại, giá miền Trung, miền Nam quanh mức 32.000 – 34.000 đồng/kg, giá khu vực miền Bắc dao động mức 39.000 – 40.000 đồng/kg.
Giá trứng gia cầm được duy trì ổn định, trứng gà trung bình 1.800 – 2.100 đồng/quả; trứng vịt 2.200 – 2.800 đồng/quả. Từ cuối tháng 6/2024, giá trứng gà tăng nhẹ lên mức 2.100 – 2.150 đồng/quả, trong khi giá trứng vịt có xu hướng giảm nhẹ. Các tháng cuối năm, giá dao động lên xuống tùy thời điểm và khu vực, tuy nhiên không có biến động nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp lông trắng tăng là do hạn chế sản lượng thịt gà nhập khẩu sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 04/2024/BNNPTNT, trong đó quy định kiểm soát chặt chẽ Salmonella và E.coli trong thịt gà nhập khẩu. Đây là thuận lợi của ngành chăn nuôi nhưng cũng là thách thức của nhiều doanh nghiệp chế biến, thời điểm cần thắt chặt, kiểm soát mọi chi phí để hòa nhập cuộc chơi mới.
Cục Chăn nuôi nhận định, thịt gia cầm thường được tiêu thụ mạnh dịp cuối năm. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiêu thụ khoảng 160.000 tấn gia cầm, nhưng riêng tháng Tết dự báo tăng trên 20%, trong đó hơn 2/3 là thịt gà. Hiện nay, giá một số sản phẩm gia cầm tăng là do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Dịp Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật tăng cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp quản lý dịch bệnh và kiểm soát nhập khẩu động vật, cùng với các địa phương quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm; giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật; đồng thời kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt gà tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, công tác phòng, chống nhập khẩu trái phép động vật sẽ được thực hiện và đẩy mạnh hơn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thùy Khánh