Đồng Nai: Tăng cường kết nối, tránh đứt gãy chuỗi cung – cầu nông sản

Thời gian qua, hàng loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều vùng nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh như: heo, gà, trái cây… gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kết nối cung – cầu vừa giúp cho các vùng sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ người dân ở các vùng bị cách ly y tế, phong tỏa để phòng dịch Covid-19 đang tạm khan hiếm nguồn thực phẩm tươi sống.

 

Trợ lực cho nông dân

Thời gian qua, hàng loạt chợ đầu mối lớn như: chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa), chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức (TP.HCM)… đều tạm ngừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những kênh tiêu thụ với sản lượng lớn những mặt hàng nông sản của Đồng Nai như: heo, gà, rau, trái cây… dẫn đến nhiều loại nông sản gặp khó khăn về tiêu thụ, giá bán giảm mạnh.

Mặt hàng đang rớt giá sâu hiện nay là gà công nghiệp, hiện giá bán tại trại chỉ còn từ 11 – 12 ngàn đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

nuôi gà đồng nai

Người nuôi gà thua lỗ nặng do giá bán chưa bằng một nửa giá thành sản xuất. Trong ảnh: Trại gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá gà giảm mạnh do nhiều tuần nay các trại nuôi có gà đến tuổi xuất bán tồn hàng vì xe vận chuyển qua các chốt kiểm soát dịch tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Việc chưa thống nhất về cách xử lý của các chốt kiểm soát dịch giữa nhiều tỉnh, thành càng gây khó khăn cho việc tiêu thụ mặt hàng này. Trong đó, lượng gà tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là TP.HCM giảm mạnh do hàng loạt các chợ đầu mối, chợ truyền thống và dịch vụ ăn uống đều tạm dừng hoạt động. Lượng gà tồn càng để càng tăng trọng lượng, càng tạo nên sự mất cân đối trong cán cân cung – cầu của mặt hàng này.

Trước đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã phản ảnh về tình hình khó khăn của người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các trang trại của tư nhân, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến giá heo hơi bán tại trại giảm dưới giá thành sản xuất nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn khó xuất sản phẩm. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân các sản phẩm chăn nuôi như heo, gia cầm bán tại trại đồng loạt rớt giá chủ yếu là do các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng này của Đồng Nai đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh mặt hàng thịt heo ở các chợ đầu mối tại TP.HCM đều thuộc diện phải cách ly y tế phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo. Hoạt động thu mua heo tại nhiều địa phương hầu như đình trệ.

 

Ưu tiên cho vùng phong tỏa phòng dịch

Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh cùng đồng hành hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo trong vùng phong tỏa vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Nhiều chương trình đã được Sở NN-PTNT triển khai như: Những chuyến xe tình nghĩa chở nông sản hỗ trợ người dân ở H.Thống Nhất, TP.HCM; chương trình Quầy hàng nông sản giá 0 đồng nhằm chia sẻ nguồn thực phẩm cho người dân tại các phường đang bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa…

điểm bán thịt heo

Người dân mua thịt tại điểm bán hàng bình ổn giá ở UBND P.An Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh:Huy Anh

Chỉ tính riêng chương trình Quầy hàng nông sản 0 đồng, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ tiêu thụ được hàng chục tấn rau củ quả cho người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra. Chương trình đã thực hiện được hai nhiệm vụ vừa hỗ trợ nông dân, vừa hỗ trợ người dân trong vùng phong tỏa vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ nhiều HTX, đơn vị tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra như: sản phẩm rau cần nước của HTX Nông nghiệp Phương Nam (H.Thống Nhất); sản phẩm củ sắn, dưa cải của Tổ hợp tác rau sạch ấp Cọ Dầu (H.Cẩm Mỹ); nấm bào ngư của HTX Nông nghiệp Nấm Lộc, rau ăn lá của HTX Suối Cát (H.Xuân Lộc)…

Trước những phản ánh của các tỉnh, thành về tình hình khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác đã làm việc với các tỉnh, thành phía Nam và có báo cáo kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là kiến nghị xem xét bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất cho các chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP.HCM và ngược lại.

>> Nhằm tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung – cầu, tránh tình trạng hàng hóa bị dồn ứ cục bộ, đảm bảo nguồn hàng được lưu thông, Sở NN-PTNT đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin. Cụ thể, số điện thoại đường dây nóng là: 0967.854.489, đơn vị tiếp nhận thông tin là Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã chủ động trong công tác dự báo, xây dựng kế hoạch ứng phó, tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *