Đồng Nai kiểm soát được dịch viêm da, nổi cục trên trâu bò

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 216 huyện của 35 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các địa phương của tỉnh vẫn không lơ là trong công tác phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là tập trung dập dịch viêm da nổi cục trên trâu bò. Hiện tỉnh đã khống chế được dịch này và tổ chức tiêm vaccine đạt 93,56% tổng đàn.

Tiêm vaccine phòng bệnh trên 93% tổng đàn

Theo Cục Thú y, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tính đến ngày 22/8, cả nước có 1.494 ổ dịch tại 216 huyện của 35 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là gần 107,4 ngàn con, số gia súc đã tiêu hủy là 9,6 ngàn con.

Bộ NN-PTNT nhận định, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân như: thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) phát triển, bay xa, ở phạm vi rộng; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục; tỷ lệ tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục thấp; bệnh viêm da nổi cục có khả năng tồn tại ở đàn gia súc trong thời gian dài, cũng như tiếp tục có khả năng xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam…

Lực lượng thú y tỉnh mổ khám nghiệm bò bị bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: G.B

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh cho biết, đến nay, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò căn bản đã được kiểm soát. Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương. Tính đến ngày 23/8, toàn tỉnh tiêm được trên 61,8 ngàn con trâu, bò, đạt gần 93,6% tổng đàn diện tiêm.Riêng Đồng Nai hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh này. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai, đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xảy ra tại 19 xã, phường của 6 huyện, thành phố với 241 hộ chăn nuôi với tổng số trâu bò trên 2,5 ngàn con, có 535 con bệnh, tiêu hủy 67 con. Bị ảnh hưởng nặng nhất là H.Xuân Lộc với 194 hộ thuộc 9 xã xuất hiện ổ dịch với tổng số bò bệnh 462 con, tiêu hủy 61 con. Các địa phương khác xuất hiện dịch bệnh này gồm: H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, H.Tân Phú, H.Long Thành, H.Định Quán.

 

Không lơ là trong phòng, chống dịch

Tuy có gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là việc tiêm vaccine phòng các dịch bệnh vẫn được doanh nghiệp, người chăn nuôi quan tâm thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ trại nuôi bò tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) cho biết, từ khi địa bàn huyện xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, trại nuôi rất chú trọng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng bệnh, nhất là việc tiêu độc, khử trùng, cũng như các giải pháp ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài. Đặc biệt, trại nuôi đã chủ động thực hiện tiêm vaccine cho đàn bò vì đây là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh này.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều biến động nhưng các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm, dịch tả cổ điển, lở mồm long móng, nhất là dịch tả heo châu Phi… vẫn có nguy cơ tái phát.

Ông Trần Văn Đạo, chủ một trang trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu chia sẻ, rủi ro dịch tả heo châu Phi sẽ xâm nhập, gây thiệt hại cho chăn nuôi heo vẫn còn rất lớn vì hiện chưa có vaccine phòng dịch này. Vì vậy, dù dịch tả heo châu Phi chưa có dấu hiệu tái phát trên địa bàn nhưng người chăn nuôi vẫn không lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là việc tiêm vaccine phòng dịch bệnh trên đàn trâu bò được địa phương tập trung thực hiện. Đến nay, gần 94,4% tổng đàn trâu bò trên địa bàn huyện đã được tiêm vaccine phòng dịch viêm da nổi cục trên trâu bò. Không chỉ quan tâm phòng, chống dịch trên đàn trâu bò, mà do huyện còn tập trung đông các trang trại chăn nuôi heo, gà với quy mô lớn, nên công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa phương được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh trên đàn chăn nuôi, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ.

>> Theo Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh, nhằm làm sạch môi trường, hạn chế lây lan mầm bệnh, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, công tác sát trùng tiêu độc luôn được quan tâm triển khai. Cụ thể, từ khi xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đến nay, các địa phương đã thực hiện phun xịt gần 11 ngàn lít thuốc sát trùng, 216 kg ChloraminT, và 35 tấn vôi để tiêu độc khử trùng nơi công cộng, đường giao thông, chợ, hộ chăn nuôi, nơi tiêu hủy gia súc.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *