Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình) hiện đã không phát sinh ổ dịch mới, ổ dịch tái phát tại một gia đình đã cơ bản được khống chế. Song không vì thế mà huyện Đông Hưng lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Xã Trọng Quan hiện có tổng đàn lợn hơn 1.000 con, chủ yếu là chăn nuôi theo quy mô nông hộ. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch; tuy nhiên, do tính chất phức tạp, lại chưa có vắc-xin phòng nên bệnh DTLCP đã tái phát tại hộ ông Đỗ Duy Đông, thôn Vinh Quan. Ông Đông cho biết: Gia đình tôi nuôi trên 20 con lợn nái, lợn thịt và lợn con. Khi phát hiện 9 con lợn thịt có biểu hiện chậm chạp, ăn ít, tôi đã thông tin ngay cho Ban Chăn nuôi và Thú y xã để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho những con lợn còn khỏe mạnh như rắc vôi bột, phun khử khuẩn hàng ngày. Dù đã cố gắng nhưng bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, chỉ vài ngày sau cả đàn lợn của gia đình đều mắc bệnh. Thiệt hại là rất lớn nhưng gia đình vẫn chấp hành việc tiêu hủy bảo đảm đúng quy trình, quy định.
Chủ động phòng, chống, quyết không để bệnh dịch lây lan ra các hộ chăn nuôi khác, xã Trọng Quan đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, rà soát đàn vật nuôi, giám sát các hộ kinh doanh, vận chuyển động vật trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng thường xuyên là một trong những giải pháp bảo vệ đàn lợn trước dịch bệnh.
Đồng chí Phạm Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP, đồng thời thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát đàn vật nuôi, tổ tiêu hủy lợn nếu có dịch bệnh xảy ra; tổ chức ký cam kết với các hộ giết mổ, buôn bán lợn tại địa phương; ra quân vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, chợ, khu giết mổ, nơi công cộng.
Xã Liên Hoa từng bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bệnh DTLCP năm 2019. Đến nay, các hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn song số lượng không nhiều. Hiện tổng đàn lợn toàn xã gần 350 con, của 31 hộ. Các hộ chăn nuôi đều hiểu sự nguy hiểm của bệnh DTLCP và thiệt hại do bệnh dịch gây ra nên khi tái đàn họ rất thận trọng, luôn tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Anh Phạm Tiến Đường, thôn Tân Lễ cho biết: Đợt dịch trước, gia đình bị thiệt hại mấy chục triệu đồng, giờ tái đàn mới chỉ dám nuôi 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Tôi chọn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn bảo đảm, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 lần/tuần, hạn chế người ra vào khu chăn nuôi để hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Từ khi thấy bệnh DTLCP tái phát, tôi đã siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của ngành chức năng, tăng số lần tiêu độc khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn lợn.
Ông Phạm Văn Bảng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Liên Hoa cho biết: Ngay khi xã Trọng Quan có lợn chết vì bệnh DTLCP, Ban Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Ban Chỉ đạo xã phát động tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổ chức phun hóa chất tại các hộ chăn nuôi, chợ, các hộ giết mổ; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vận động họ nếu có lợn ốm phải báo ngay với chính quyền xã, không được bán ra thị trường…
Trước khi bệnh DTLCP xuất hiện, Đông Hưng là huyện có phong trào chăn nuôi lợn phát triển mạnh với tổng đàn lợn từ 96.000 – 100.000 con. Đến nay, dù nhiều hộ đã mạnh dạn tái đàn song tổng đàn lợn của huyện mới chỉ đạt trên 54.000 con. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại xã Trọng Quan đã có 1 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lợn vì bệnh DTLCP tái phát, dù đã được khống chế song vẫn tiềm ẩn nguy cơ, đe dọa đến đàn lợn của huyện.
Đồng chí Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh DTLCP. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, chủ động khai báo dịch và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, rắc vôi bột đường làng, ngõ xóm, nơi có nguy cơ lây nhiễm để tiêu diệt mầm bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bố trí nhân lực, vật lực, xây dựng phương án xử lý dịch bệnh, tiêu hủy nếu có lợn bị mắc bệnh theo đúng quy định.
Thu Hiền
Nguồn: Báo Thái Bình