Thưa quý vị bạn đọc!
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 850 triệu con gia cầm, nhưng nhiều năm qua ngành chăn nuôi liên tục thua lỗ, giá gia cầm rất thấp. Một phần nguyên nhân là do tình trạng buôn lậu tràn lan, trong khi công tác kiểm soát chưa hiệu quả. Dù Bộ đã nhiều lần chỉ đạo siết chặt, song thực tế tại nhiều địa phương vẫn chưa triển khai đầy đủ, chưa đăng ký thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khiến công tác kiểm dịch ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo an toàn thực phẩm, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên ngành đã xử lý 47 vụ vi phạm, tiêu hủy hơn 4.130 con gia cầm giống (gà con, vịt con, chim cảnh…); 15,4 tấn sản phẩm động vật nhập lậu (thịt, nội tạng, sản phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng…); 24.000 quả trứng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Các chuyên gia cho rằng, việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước cấm các hành vi nhập lậu vào Việt Nam để bảo vệ thị trường ổn định, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Một trong những nhóm hàng có sự gia tăng về nhập lậu đó là con giống gia cầm; trong khi, ở trong nước, theo đánh giá chung, phát triển giống gia cầm đang đối mặt với nhiều bất cập, bao gồm chất lượng giống chưa cao, quản lý giống còn hạn chế, và thiếu liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ. Chính điều này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển bền vững của ngành gia cầm. Theo đánh giá, với năng lực hiện tại, gà giống sản xuất trong nước cơ bản đã đáp ứng đủ cho người chăn nuôi, chính vì thế, khi số lượng lớn gà giống nhập lậu vào đã dẫn tới cung vượt cầu, “dìm” chết gà giống sản xuất trong nước. Nguy hại hơn, gà giống “3 không” (gồm không vaccine, không nguồn gốc, không kiểm dịch) còn khiến tình hình dịch bệnh thêm khó kiểm soát.
Con giống là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng và hiệu quả của ngành chăn nuôi. Để tạo chuyển biến tích cực cho ngành hàng này, giải pháp nào cần được triển khai? Nội dung này đã được phản ánh sâu sắc qua bài viết với tựa đề “Phát triển giống gia cầm: Chất lượng là then chốt”, cùng chia sẻ của TS Nguyễn Quý Khiêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gia cầm Việt Nam trên số báo phát hành kỳ tháng 7 này của Tạp chí Thế giới Gia cầm. Một trong những chia sẻ của nhà khoa học này đó là: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống gia cầm thông qua ứng dụng công nghệ gen, hệ thống kiểm tra ADN và các chỉ thị phân tử. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất bền vững. Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số, như hệ thống giám sát dịch bệnh để tối ưu hóa công tác kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe vật nuôi.
Cùng với chăn nuôi gia cầm trong nước, ngành gia cầm châu Á cũng đang sẵn sàng cho “cú hích” toàn cầu; mặc dù, khu vực này đối mặt nhiều thách thức, nhưng vẫn được dự báo là động lực tăng trưởng chính của ngành gia cầm toàn cầu trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó là thông tin về những công nghệ vượt trội đã được ứng dụng trong công tác sản xuất và bảo tồn giống gia cầm; tối ưu hóa dinh dưỡng và sử dụng hiệu quả thức ăn cho gia cầm… Mời quý độc giả đón đọc.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Ngọc Ánh: 0963 555 554
Email: phathanhtggc@gmail.com
Giá bán Tạp chí Thế giới Gia cầm bản giấy là: 30.000 VNĐ/cuốn
Trân trọng!
Ban Biên Tập