(Người Chăn Nuôi) – Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi luôn có tốc độ tăng trưởng ổn định (mức tăng trung bình từ 4,5 – 6%/năm). Ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng như mật ong, heo sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến được xuất khẩu. Để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững thì ngành chăn nuôi cần linh hoạt đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học.
Toàn cảnh Diễn đàn “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững”.
Vượt qua nhiều thách thức, khó khăn đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, chăn nuôi Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Năm 2022, giá trị toàn ngành ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%/năm. Để có được những thành công đó, phải kể đến đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ. Có thể kể đến những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao đã được áp dụng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ NN&PTNT hợp tác với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tổ chức CropLife châu Á ngày 18/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp Việt Nam xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Chọn lọc, nghiên cứu bảo tồn các con giống tốt, tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi một cách phù hợp, nghiên cứu thành công một số loại vắc xin đáp ứng miễn dịch trên vật nuôi. Trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy khoa học công nghệ trở thành động lực trực tiếp và có đóng góp ngày càng nhiều hơn trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay.
Cũng tại Diễn đàn, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ, cho biết: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác với Bộ NN&PTNT Việt Nam, qua đó thúc đẩy trao đổi thông tin, hỗ trợ chính sách phát triển phù hợp. Liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý chất thải, tái sử dụng để nâng cao hiệu quả của ngành, góp phần giảm khí thải nhà kính. Có thể kể tới như Phần mềm quản lý phối trộn thức ăn chăn nuôi, một ứng dụng hiện đại góp phần giảm thiểu khí thải, giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp.
Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ
Khoa học công nghệ tiếp tục là then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ước tính, khoa học công nghệ đóng góp hơn 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành luôn ở mức cao, đảm bảo mức tăng trưởng chung của cả nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Giang Thu, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2020 – 2023, thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã chọn tạo và giới thiệu vào sản xuất nhiều dòng, giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Tiến sĩ Nguyễn Giang Thu, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) trình bày tham luận
Tại Diễn đàn lần này, nhiều nhà khoa học, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đã tập trung thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề, chỉ ra những thách thức trong nghiên cứu, từ đó nêu ra các phương pháp góp phần đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Đây cũng là cơ hội giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nâng cao năng lực, tầm nhìn, định hướng trong nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)