Điều này được Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva công bố tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Brazil trưa 29/3 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông.
‘Tôi đến thăm Việt Nam với tư cách là một người bạn’
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Brazil, do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam tổ chức, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cho biết, ông đang thăm Việt Nam không chỉ với tư cách là Tổng thống Brazil, mà “là người bạn của Việt Nam”.
Đến nay, ông Lula da Silva là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất của Brazil thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, ông từng thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 – 10/7/2008.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Brazil. Ảnh: Minh Tuấn
Ông bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam giữa 2 lần thăm. Tuy là hai quốc gia, hai dân tộc xa nhau về địa lý, nhưng Brazil và Việt Nam có quan hệ gần gũi với nhau.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đe dọa tăng trưởng thương mại thế giới, hai nước cần tăng cường thương mại song phương hơn nữa. Với gần 8 tỷ USD đạt được vào năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ giữa hai nước và mong muốn của mỗi nước.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Lula da Silva tuyên bố Brazil công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, phản ánh rõ hơn bản chất của quan hệ hai nước.
Trong thời gian tới, Brazil sẽ nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm của Việt Nam so với các đối tác truyền thống khác như Bồ Đào Nha.
Tổng thống Lula da Silva cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã công bố cho phép nhập khẩu thịt bò của Brazil, để từ đó sản phẩm này thâm nhập vào thị trường ASEAN thông qua Việt Nam. “Việc Việt Nam mở cửa cho thịt bò của Brazil là điều tốt cho quan hệ hai nước”, ông nói thêm.
Ông cho biết, một doanh nghiệp của Brazil sẽ đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến thịt bò tại Việt Nam.
Hai nước cũng đang đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và khối Mercosur, đưa Brazil trở thành cửa ngõ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Embraer có thể cung cấp máy bay dân dụng cho Vietnam Airlines, giúp Việt Nam nâng cao năng lực đội bay, đồng thời thành lập trung tâm đào tạo tại Việt Nam. Không chỉ vậy, Embraer còn có thể hợp tác với Không quân Việt Nam, ông nói.
Tổng thống Brazil đề nghị các doanh nghiệp hai nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân kết nối với nhau, thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, hiện thực hoá, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Brazil được thiết lập vào tháng 11/2024; đề nghị hai bên nghiên cứu lập các quỹ chung để xúc tiến đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ tạo để tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư.
Hợp tác Việt Nam – Brazil không có giới hạn, không có cản trở
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là ủng hộ một Brazil độc lập, mạnh, hùng cường và có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam sẵn sàng tham gia các sáng kiến của Brazil góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, đặc biệt là sáng kiến chống đói nghèo, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Brazil. Ảnh: Minh Tuấn
Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Lula da Silva, hai bên đã ký Kế hoạch hành động triển khai khuôn khổ quan hệ mới; nhất trí nâng cấp Ủy ban liên Chính phủ; tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao để đưa quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế ngày càng phát triển.
Thủ tướng cảm ơn Brazil cùng hơn 70 nước khác đã công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam, đồng ý mở cửa cho cá tra, cá ba sa và tôm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại (hiện Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Brazil).
Để hướng tới cân bằng thương mại, Thủ tướng đề nghị Brazil tăng cường nhập khẩu với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như hàng điện tử, nông thủy sản. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Brazil, hiện Việt Nam đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hai nền kinh tế có tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, những gì Brazil mạnh thì Việt Nam có nhu cầu, và ngược lại. Ông đề nghị hai nước hợp tác với nhau ở những lĩnh vực hai bên cùng có thế mạnh, như nghiên cứu lập các sàn giao dịch cà phê. Brazil cũng có thế mạnh về khoáng sản trong khi Việt Nam đang có nhu cầu phát triển mạnh ngành công nghiệp luyện kim.
Trong chuyến thăm lần này, Việt Nam đã mở cửa thị trường thịt bò cho Brazil và Brazil đã đầu tư ngay với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”.
Trước đó, tại cuộc hội kiến với Tổng thống Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp lớn của Brazil đang cân nhắc đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn JBS S.A. của Brazil trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư của doanh nghiệp Brazil tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng không, khoáng sản.
Đánh giá cao các bộ trưởng hai nước đã làm việc cụ thể ngay sau các cuộc gặp cấp cao trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng mong thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, các doanh nghiệp kết nối nhiều hơn nữa, phát huy tình cảm và các cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng nhắc lại cam kết Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, điểm tựa quan trọng để Brazil vào thị trường ASEAN với dân số hơn 600 triệu dân, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới và là tâm điểm tăng trưởng. Việt Nam cũng cảm ơn Brazil sẵn sàng làm cầu nối cho Việt Nam vào khu vực Mercosur và Mỹ Latinh.
Đề nghị Brazil hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu
Về đầu tư, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; khoáng sản; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao…; trong đó chú trọng củng cố các chuỗi cung ứng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Brazil tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Brazil sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Brazil ủng hộ, thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối Mercosur; tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, thương mại song phương thông qua ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng như hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định về lao động, giáo dục đào tạo, miễn thị thực nhằm tạo điều kiện cho người lao động, nhà đầu tư và chuyên gia hai nước “đến với nhau bất cứ lúc nào”.
Quang Minh
Nguồn: Báo Nhà Đầu tư