Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 6/9/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3368/QĐ-BNN-CN ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 675/QĐ-BNN-CN ngày 4/4/2014 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật cho các đàn vật nuôi giống gốc.

 

Phạm vi điều chỉnh

Định mức kinh tế – kỹ thuật này áp dụng trong hoạt động sản xuất, quản lý vật nuôi giống gốc tại các cơ sở nuôi giữ vật nuôi giống gốc có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; Đồng thời, làm cơ sở cho việc tính toán, xây dựng đơn giá, dự toán, sản phẩm, kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá chất lượng vật nuôi giống gốc. Đây cũng là cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, năng suất, báo cáo tiến bộ hàng năm, định kỳ về thực hiện công tác sản xuất, nuôi giữ vật nuôi giống gốc.

 

Đối tượng áp dụng

Định mức kinh tế – kỹ thuật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quản lý, nuôi giữ, sản xuất và cung ứng sản phẩm vật nuôi giống gốc.

gà con

Căn cứ xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật

– Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi;

– Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

– Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

– Thông tư số 06/2021/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ NN&PTNT quản lý.

 

Loại vật nuôi giống gốc

Loại vật nuôi giống gốc được quy định chi tiết tại các phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này (Phụ lục I đến Phụ lục XIV).

 

Sản phẩm vật nuôi giống gốc

Sản phẩm vật nuôi giống gốc bao gồm con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền khác được khai thác từ vật nuôi giống gốc; Được sử dụng để chuyển giao vào sản xuất và thay thế đàn vật nuôi giống gốc trong quá trình khai thác, sử dụng.

 

Yêu cầu số lượng tối thiểu cần giữ đối với đàn giống gốc vật nuôi

a) Đối với heo: Giống gốc phải là cấp giống cụ kỵ hoặc ông bà, sản xuất ra sản phẩm giống gốc là cụ kỵ, ông bà và bố mẹ. Số lượng cần giữ đối với 1 giống dòng đực (Pietrain, Duroc): Tối thiểu 50 con nái và 5 con đực; Các heo giống dòng cái (LR, YS): Tối thiểu 200 nái và 20 đực; Các giống nội: Tối thiểu 100 con nái và 10 con đực. Đực sản xuất tinh đối với mỗi giống có tối thiểu 5 con đang khai thác tinh.

b) Đối với gia cầm: Giống gốc phải là dòng thuần hoặc cấp giống ông bà (mỗi giống nhập ngoại có tối thiểu 2 dòng), sản xuất ra sản phẩm giống gốc là dòng thuần hoặc cấp giống ông bà hoặc cấp giống bố mẹ. Số lượng cần giữ đối với 1 giống tối thiểu là 600 con mái sinh sản, nếu dòng theo dõi cá thể hoặc gia đình tối thiểu mỗi dòng là 20 gia đình.

c) Đối với gia súc lớn: Giống gốc là đàn hạt nhân, sản xuất ra sản phẩm giống gốc là đàn nhân giống. Số lượng cần giữ đối với 1 giống tối thiểu là 50 con cái sinh sản (đối với trâu, bò, ngựa), tối thiểu 100 con cái sinh sản (đối với dê, cừu, thỏ). Trâu, bò đực sản xuất tinh đối với mỗi giống có tối thiểu 3 con đang khai thác tinh.

d) Đối với ong: Giống gốc là đàn giống thuần, sản xuất ra sản phẩm giống gốc là đàn giống thuần và ong chúa. Số lượng cần giữ đối với 1 giống tối thiểu là 1.000 đàn ong ngoại và 500 đàn ong nội.

đ) Đối với tằm: Giống gốc là ổ tằm thuần, sản xuất ra sản phẩm giống gốc là tằm cấp 1. Số lượng cần giữ đối với 1 giống tối thiểu là 1.000 ổ tằm.

Trong quá trình áp dụng định mức kinh tế – kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có quy định mới phát sinh, Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc tại 14 phụ lục kèm theo Quyết định này, bao gồm:

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với đàn heo giống gốc (Phụ lục I);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với heo đực kiểm tra năng suất và đực sản xuất tinh (Phụ lục II);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với gà giống gốc (Phụ lục III);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với vịt giống gốc (Phụ lục IV);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với ngan giống gốc (Phụ lục V);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với đà điểu giống gốc (Phụ lục VI);

– Định mức kinh tế kỹ – thuật đối với bò cái giống gốc (Phụ lục VII);

– Định mức kinh tế kỹ – thuật đối với trâu, bò đực giống gốc dùng để sản xuất tinh đông lạnh (Phụ lục VIII);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với trâu, bò, ngựa phối giống có chửa công ích (Phụ lục IX);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với trâu, ngựa giống gốc (Phụ lục X);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với dê, cừu giống gốc (Phụ lục XI);

– Định mức kinh tế kỹ thuật đối với thỏ giống gốc (Phụ lục XII);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với ong giống gốc (Phụ lục XIII);

– Định mức kinh tế – kỹ thuật đối với tằm giống gốc (Phụ lục XIV).

Phạm Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *