Nấm da là bệnh khá phổ biến ở thỏ nuôi, có khả năng lây lan nhanh làm ảnh hưởng lớn đến năng suất nuôi. Do đó, cần có các biện pháp phòng và điều trị kịp thời để hạn chế các thiệt hại xảy ra.
Tác nhân gây bệnh
Nguyên nhân trực tiếp do sợi nấm ký sinh trên da chủ yếu 3 chủng nấm Microsporum, Trichophyton và Epidermophyton gây ra. Quá trình lây nhiễm bệnh có ba giai đoạn: Sự bám dính của các đốt bào tử hạt, nảy mầm và nấm tấn công vào lớp keratin rồi phát bệnh nấm da trên thỏ.
Người nuôi cần cách ly thỏ bệnh khỏi đàn Ảnh: MF
Đây là bệnh thường mắc ở loài thỏ, nó phát triển cũng như lây lan rất mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ cũng như độ ẩm của môi trường cao ở nơi thiếu ánh sáng, chuồng trại kém thông thoáng (nguyên nhân quan trọng), tình trạng suy nhược của động vật, tuổi tác… có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm ở thỏ. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do khi bắt giống về thỏ đã bị nhiễm nấm sau đó lây lan ra toàn cơ thể và toàn trại. Hoặc do con người tiếp xúc với môi trường có nấm ở trại khác, sau đó để mầm bệnh lọt vào trại của gia đình. Bệnh xuất hiện trên tất cả những loại thỏ tuy nhiên mẫn cảm cũng như lây lan mạnh hơn đối với những con thỏ con theo mẹ cũng như những con thỏ con sau khi cai sữa.
Bào tử nấm tai sẽ lây lan rất nhanh, có thể chỉ trong 1 ngày là lây lan ra toàn chuồng đến toàn lồng. Nếu như căn bệnh kéo dài, thỏ sẽ gầy yếu và có thể dẫn đến cái chết hàng loạt. Nếu như phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh nhanh chóng thì khả năng hạn chế được tình trạng lây lan bệnh dịch hiệu quả hơn rất nhiều.
Triệu chứng
Biểu hiện đầu tiên dễ thấy nhất là thỏ bị rụng lông. Biểu hiện điển hình của bệnh nấm da ở thỏ thường có nhiều chấm nhỏ tròn màu trắng ở rất nhiều vị trí mí mắt, tai, sau đó là nhiều vết bệnh bắt đầu lan rộng ra thành nhiều vùng màu trắng tròn và nhỏ như cúc áo, đồng xu rồi lan ra nhiều vùng da khác nhau như phần đầu, 4 chân, đùi, bụng cũng như 2 bên sườn của thỏ. Ban đầu là vết nhỏ sau đó lây lan và phát triển nhanh làm cho trỏ bị trụi lông, gầy yếu. Bệnh phát toàn thân, lây lan ra các cá thể xung quanh với tốc độ nhanh nếu không được cách ly và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh
Bệnh nấm da ở thỏ không nguy hiểm nhưng rất khó điều trị. Tỷ lệ tái phát cao nếu không có pháp đồ điều trị đúng, điều trị toàn bộ và vệ sinh, sát trùng chuồng trại một cách triệt để. Do đó cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh an toàn sinh học như: Vệ sinh lồng chuồng, máng ăn sạch sẽ; Thức ăn phải sạch sẽ, không bị ôi mốc, biến chất; Hạn chế tiếp xúc hoặc đưa thỏ từ bên ngoài vào trại. Trước khi mang vào phải phun khử trùng, tắm thuốc trị nấm. Phun thuốc khử trùng và thuốc trị nấm đều đặn ít nhất 15 ngày/lần. Giữ cho môi trường luôn luôn sạch sẽ, khô và thoáng mát. Chuồng nuôi của thỏ cần được tăng cường ánh sáng cũng như là hạn chế độ ẩm. Đáy lồng chuồng phải có lỗ, rãnh thoát phân dễ dàng. Ngoài ra, cũng cần tiến hành vệ sinh tẩy uế chuồng nuôi thỏ, bằng cách phun hóa chất formalin hay rắc vôi bột để hạn chế những bệnh lây lan.
Điều trị
Điều trị nấm da ở thỏ sẽ rất tốn kém nếu không dùng đúng thuốc trị dứt điểm trong 1 lần hoặc để bệnh tái phát nhiều. Để điều trị, người nuôi cần cách ly toàn bộ những con thỏ mắc bệnh ra khu chuồng riêng biệt. Sau đó, sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Ivermectin để tiêm trị bệnh cho thỏ. Liều lượng là 1 cc thuốc cho khoảng 0,7 kg thỏ. Hiện nay có thể sử dụng thuốc ivermectin 0,3% tiêm dưới da một lần cho thỏ với liều 0,2 ml/kg thể trọng có tác dụng tốt. Nếu không có Ivermectin thì có thể lấy 50 g dipterex, 40 ml cồn Iod 20% và 20 g bột lưu huỳnh pha trộn đều với 1 lít dầu thực vật để bôi 2 lần cách nhau 3 – 4 ngày. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể dùng thuốc nấm bôi ướt hết vào vùng da bệnh liên tục 4 – 5 ngày (1 lần/ngày) hiệu quả phòng trị bệnh cũng rất tốt.
Hoàng Ngân