Từ đầu tháng 8 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái phát khiến nhiều hộ chăn nuôi tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn khi tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy ngày càng tăng.
Ngày 11/8, anh Sùng A Páo, bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) phát hiện trong đàn lợn 37 con của gia đình có một số con bỏ ăn. Nhận thấy triệu chứng giống mắc dịch tả lợn châu Phi, anh Páo đã chủ động báo tin cho thú y xã Nậm Nhừ, chính quyền địa phương để lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm. Chiều ngày 16/8, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng huyện Nậm Pồ tiêu hủy lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi tại bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ).
Anh Sùng A Páo cho biết: “Ðàn lợn đã nuôi gần đến ngày xuất chuồng lại mắc bệnh. Thật tiếc của nhưng tôi cũng đồng ý với chính quyền xã và cán bộ huyện tiến hành tiêu hủy cả đàn lợn theo đúng quy định phòng chống dịch bệnh”.
Nậm Nhừ là xã tái phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên và cũng là xã bị thiệt hại nhiều nhất huyện Nậm Pồ. Ðến thời điểm ngày 25/10, xã Nậm Nhừ có 19 hộ chăn nuôi có đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 224 con, với trọng lượng 14.903kg.
Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã cho biết: UBND xã Nậm Nhừ đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch. Ðồng thời phối hợp với các lực lượng: Bộ đội biên phòng, Công an và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức dựng các chốt kiểm dịch, trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng có dịch; việc giết mổ, buôn bán sản phẩm từ lợn trên địa bàn xã theo quy định. Các tổ công tác của xã khẩn trương thống kê, tổng hợp thiệt hại và tiến hành tiêu hủy lợn chết do dịch bệnh theo đúng quy trình, quy định. Cùng với đó rà soát toàn bộ số lợn hiện có ở địa bàn xã để có biện pháp theo dõi, kiểm soát; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ðến nay, xã Nậm Nhừ đã qua 21 ngày không phát hiện ổ dịch mới.
Theo thống kê của Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay huyện Nậm Pồ đã có 30 hộ chăn nuôi tại 6 thôn, bản thuộc 5 xã (Nậm Nhừ, Chà Tở, Nà Bủng, Chà Nưa, Nà Khoa) có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 296 con, trọng lượng trên 19,2 tấn.
Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã và các lực lượng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch bệnh để người dân nắm bắt kịp thời. Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn). Ðồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp tiêu độc, khử trùng; khuyến cáo các hộ chăn nuôi bị thiệt hại chưa vội tái đàn; hộ chăn nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch bệnh thực hiện tốt công tác phòng dịch.
Ðến ngày 25/10, toàn tỉnh có 72 hộ tại 31 thôn, bản thuộc 18 xã của 5 huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy từ đầu năm đến nay là 625 con với trọng lượng trên 32,6 tấn (bằng 47% so với cùng kỳ năm 2022).
Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản cho biết: Mặc dù xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ nhưng nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh trong những tháng cuối năm là rất cao. Do người dân chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (trên 95%) trong khi mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi nên rất khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi tăng đàn, tái đàn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm nên nếu bị mắc bệnh thì thiệt hại là rất lớn. Ðể chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch như: Tăng cường tuyên truyền về diễn biến, mức độ nguy hiểm của bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức khống chế, dập tắt dịch bệnh khi có phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn nhập vào địa bàn.
Bài, ảnh: Nhật Phương