Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 642 xã, 207 huyện của 46 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là trên 28.000 con. Tại tỉnh Thái Nguyên, có ít nhất 2 ổ dịch xuất hiện từ cuối năm 2021 tại 4 hộ ở 4 xóm của phường Thắng Lợi và phường Lương Sơn (TP. Sông Công) và phải đến đầu năm 2022 mới dập xong. Các chuyên gia khuyến cáo, không được lơ là, chủ quan với dịch tả lợn châu Phi, phải có biện pháp phòng từ xa, từ sớm để tránh dịch bùng phát trở lại.
Tuy không phải là trọng điểm chăn nuôi lợn của cả nước, nhưng Thái Nguyên vẫn được xem là tỉnh có sản lượng lớn thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trong khu vực.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 260 trang trại chăn nuôi lợn với số lượng dao động từ 600.000 đến 700.000 nghìn con, tập trung nhiều ở TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình. Tỉnh cũng hình thành các chuỗi chăn nuôi lợn hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, tạo chuỗi cung ứng trên thị trường.
Do là địa phương tiếp giáp và gần kề với một số tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên nguy cơ xâm nhập dịch vào Thái Nguyên rất cao. Vì thế, để kiểm soát dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh đã phát đi yêu cầu đối với chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp và người chăn nuôi về tăng cường phòng, chống dịch.
Theo đó, chính quyền các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, không chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần chống dịch, chịu trách nhiệm khi để dịch xảy ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bất hợp pháp và sử dụng sản phẩm của lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh.
Thực hiện các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai đăng ký tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Chuẩn bị dự phòng đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác chống dịch.
Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu về phòng, chống dịch là Sở Nông nghiệp và PTNT phải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý các ổ dịch, không để dịch lây lan.
Cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT phải thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển đối với lợn vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh tả lợn châu Phi theo quy định. Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật…
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng, nhất là công an, quản lý thị trường phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ các tỉnh đang có dịch vào địa bàn Thái Nguyên; tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Nguyễn San