Di dời cơ sở chăn nuôi: Linh hoạt để gỡ khó

(Người Chăn Nuôi) – Hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quyết định của UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành ngày 24/2/2023. Ðộng thái này đang khiến nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi như ngồi trên lửa.

Thiệt hại lớn, khó xây trại mới

Ông Nguyễn Kim Ðoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai cho biết, quyết định của tỉnh buộc hơn 3.000 trang trại chăn nuôi phải di dời khiến các trang trại đang đứng ngồi không yên vì lo lắng thiệt hại hàng tỷ đồng, không đủ chi phí, không tìm được đất để di dời lập trại mới. 

Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, có 3.006 cơ sở chăn nuôi có tên trong quyết định có trách nhiệm thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động theo đúng lộ trình quy định. Trong số này có hơn 2.100 cơ sở phải di dời và số còn lại phải ngưng hoạt động theo lộ trình chậm nhất trước ngày 1/1/2025. Các cơ sở chăn nuôi chủ yếu là heo, bên cạnh đó còn có dê, bò, gà, vịt…

Trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi, theo ông Công vừa có cả hộ chăn nuôi gia đình lẫn các công ty chăn nuôi lớn, chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.

Theo ông Công, chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì buộc di dời là đúng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chăn nuôi vừa mới được đầu tư bài bản, tốn hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, giấy phép còn thời hạn, nằm xa khu dân cư lại phải di dời gây thiệt hại rất lớn cho họ.

“Hàng ngàn hộ chăn nuôi nằm trong danh sách vô cùng lo lắng vì không biết phải di dời đi đâu, không có kinh phí để di dời. Hơn nữa mấy năm nay giá heo, gà giảm, chi phí tăng khiến chăn nuôi thua lỗ kéo dài nên không có điều kiện kinh tế để di dời theo chủ trương của tỉnh. Lộ trình di dời chỉ chưa đầy 2 năm là quá ngắn và có thể gây đứt gãy chuỗi cung cấp thực phẩm cho tỉnh lẫn TP. Hồ Chí Minh”, ông Công nói thêm.

chăn nuôi heo

Một trang trại chăn nuôi heo ở Ðồng Nai. Ảnh: Quang Huy

Ông Nguyễn Duy Hậu, chủ trại heo Tám Do (Bàu Cạn, Ðồng Nai) cho biết, chi phí đầu tư ban đầu các trang trại heo là rất lớn. Nếu di dời sẽ thì chỉ lấy được mỗi khung trại còn những chi phí xây dựng khác bị tổn thất. Rồi trang trại tốn chi phí như vận chuyển heo giống, thiết bị, khung trại… chưa kể công đoạn vận chuyển khiến vật nuôi bị tổn hại.

“Những trại heo trong khu dân cư thì phải chấp nhận di dời, những trại này chủ yếu nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình, hình thành từ lâu. Còn những trang trại đang có giấy phép, ở xa khu dân cư nhưng nằm trong danh sách phải di dời lại là những trại công nghiệp quy mô lớn, có giấy phép, đảm bảo môi trường sẽ thiệt hại. Vì thế, tỉnh cần xem xét giãn thời gian di dời đối với các trại xa khu dân cư và giấy phép đang còn thời hạn này”, ông Hậu góp ý.

Mối lo đối với các trang trại lúc này là không có đất để xây dựng trại mới, giá đất cũng như tiền thuê đất tại Ðồng Nai cùngcác tỉnh khác đều tăng cao. Trong khi lãi suất cho vay cao. Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Ðông Nam bộ cho rằng, thời gian di dời ngắn sẽ dễ gây đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt với những trại lớn khi di dời cần được giới thiệu đất thuê, hỗ trợ vốn vay để xây mới chuồng trại.

“Ðặc biệt, hiện nay chăn nuôi rất khó khăn, chi phí tăng cao, giá đầu ra dưới giá thành, người chăn nuôi đang lỗ nặng. Vì vậy, cần có chính sách tín dụng gia hạn nợ gốc, giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại mở gói vay đặc thù cho lĩnh vực đầu tư trang trại chăn nuôi. Nếu không được hỗ trợ vốn, các cơ sở chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Quyết kiến nghị.

 

Hậu di dời, mối lo việc làm

Ông Nguyễn Kim Ðoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai cho biết, Ðồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo khoảng 2,6 triệu con và 26 triệu con gà. Trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của tỉnh và thu nhập, công ăn việc làm của người dân địa phương.

Ðáng nói hiện nay Ðồng Nai không còn quỹ đất quy hoạch cho chăn nuôi nên theo ông Ðoán, hàng ngàn trang trại chỉ có nước đóng trại tìm công việc ngành nghề khác hoặc tìm đất ở tỉnh khác.

“Như vậy, Ðồng Nai sẽ mất danh hiệu thủ phủ chăn nuôi trong thời gian tới. Ngoài ra, nguồn cung thực phẩm chăn nuôi sẽ sụt giảm, vấn đề việc làm sẽ bị ảnh hưởng khi đa số người chăn nuôi ở tuổi trung niên khó tìm được công việc mới”, ông Ðoán nói thêm.

Vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT, tỉnh Ðồng Nai có lộ trình di dời kéo dài khoảng 4 – 5 năm để cơ sở chăn nuôi chuẩn bị có kế hoạch tránh thiệt hại. Ðối với các trang trại nằm trong quy hoạch chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và giấy phép còn hạn thì cho họ tiếp tục hoạt động đến khi hết hạn. Ðồng thời, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành và địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ về chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở chăn nuôi di dời, chi phí di dời.

tình hình chăn nuôi đồng nai

 

Cần sự hỗ trợ

Phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết, trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời thì có 2.400 cơ sở có giấy phép. Bộ sẽ làm việc với tỉnh Ðồng Nai xem xét thời hạn của các cơ sở chăn nuôi có giấy phép, có độ trễ, cơ sở nào đảm bảo môi trường thì có thể tiếp tục hoạt động đến khi hết giấy phép.

“Bên cạnh đó, sẽ xem xét cơ sở chăn nuôi thực tế đã hình thành, đầu tư lớn, nằm trong quy hoạch thì cho tiếp tục bao lâu. Vì hiện có 3.600 cơ sở chăn nuôi không thể di dời là bắt dời liền, tránh ảnh hưởng thiệt hại đến hộ chăn nuôi”, Thứ trưởng Tiến nói.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thông tin sau khi họp với tỉnh Ðồng Nai, xin ý kiến các bên, Cục đang xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển bền vững ngành chăn nuôi trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất quy định về việc di dời các cơ sở chăn nuôi.

Cụ thể, cơ sở chăn nuôi phải di dời sẽ được hỗ trợ không quá 50% thiệt hại, nhưng số tiền hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự thảo này cũng đề xuất hỗ trợ tiền di dời, chi phí vận chuyển, chi phí học nghề…

Quang Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *