Đề nghị bỏ thuế VAT với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống

(Người Chăn Nuôi) – Trước tình trạng nhiều địa phương áp dụng chưa thống nhất thuế VAT với các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi truyền thống, gây tăng chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp, các hiệp hội ngành chăn nuôi đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất trên cả nước.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nhiều nguyên liệu nông sản truyền thống dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi như thóc, ngô, cám, lúa mì, khô dầu… đang bị áp thuế GTGT 5% ở một số nơi. Trong khi đó, các quy định hiện hành đã xác định đây là nhóm hàng hóa không chịu thuế GTGT.

VAT thức ăn chăn nuôi

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Cụ thể, Luật Thuế GTGT số 48/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) quy định rõ tại khoản 3 Điều 5: “Thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản” thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, trong đó khoản 25 Điều 2 định nghĩa: “Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống”. Còn tại khoản 29 Điều 2, Luật này tiếp tục khẳng định: “Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi, bao gồm: thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và các sản phẩm tương tự khác”. 

Các định nghĩa này được cụ thể hóa trong Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong đó liệt kê rõ danh mục các nguyên liệu nông sản dùng làm thức ăn chăn nuôi truyền thống như ngô, thóc, lúa mì, khô dầu, cám, đậu tương…

Như vậy, về mặt pháp lý, có thể khẳng định rằng các nguyên liệu nông sản nêu trên khi sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ quan thuế địa phương lại cho rằng các sản phẩm này mới chỉ là nguyên liệu sơ chế, chưa phải là thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh, nên vẫn áp mức thuế 5%. Việc áp thuế không đúng đối tượng đã gây ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Theo tính toán của các hiệp hội, nhóm nguyên liệu truyền thống chiếm đến 70% trong cơ cấu giá thành thức ăn chăn nuôi. Nếu bị áp thuế đầu vào nhưng đầu ra lại là sản phẩm không chịu thuế, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế. Hệ quả là chi phí sản xuất tăng cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi nội địa trở nên kém cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được trợ giá tại nhiều nước.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện nay phụ thuộc tới hơn 90% nguyên liệu nhập khẩu. Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng, nhu cầu phục hồi sản xuất sau dịch bệnh và tác động của thị trường quốc tế, việc thiếu đồng bộ trong thực thi chính sách thuế càng làm trầm trọng thêm khó khăn của doanh nghiệp.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, doanh nghiệp trong nước sẽ càng thêm yếu thế trước hàng nhập khẩu, người chăn nuôi cũng phải gánh chi phí cao hơn, làm giảm hiệu quả sản xuất và khả năng phục hồi sau khủng hoảng giá cả”.

Theo đó, Bộ Tài chính cần khẳng định rõ: các nguyên liệu nông sản được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi truyền thống kể cả khi chưa qua chế biến hoặc mới chỉ sơ chế như ngô, lúa mì, đậu tương, cám, khoai, sắn… đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo khoản 3 Điều 5 của Luật Thuế GTGT hiện hành.

Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo tính nhất quán trong thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả của chính sách thuế và góp phần ổn định thị trường thức ăn chăn nuôi – ngành đang giữ vai trò then chốt trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *