(Người Chăn Nuôi) – Đây là nhiệm vụ mà Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong Hội thảo lấy ý kiến góp ý “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2030” diễn ra ngày 8/11/2023 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia Hội thảo góp ý cho Đề án của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, phát triển nông nghiệp tuần hoàn dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị nông nghiệp tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị trong chuỗi nông sản; giảm lượng phế thải, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế; hình thành chu trình sản xuất khép kín theo chuỗi; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xanh, phát thải thấp hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, trách nhiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại & dịch vụ Nông nghiệp Việt Nam góp ý một số nội dung liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Thắng dẫn chứng trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020, lượng phụ phẩm ngành hàng này là 61,40 triệu tấn nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 75,10%. Bên cạnh đó, trong số các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ mới có 48,2% hộ xử lý chất thải chăn nuôi; còn ở quy mô trang trại thì tỷ lệ này là 96,1%.
Dự thảo Đề án này đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của ngành chăn nuôi đó là xử lý hiệu quả nguồn chất thải, cụ thể tới năm 2030 có 60% hộ chăn nuôi và 100% trang trại xử lý chất thải. Bên cạnh đó, Đề án cũng nhấn mạnh việc ưu tiên nghiên cứu công nghệ chọn tạo giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, chống chịu bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi cao; nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chăn nuôi tuần hoàn không chất thải; quy trình thu gom, xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn để hình thành ngành công nghiệp dinh dưỡng hữu cơ cho canh tác cây trồng. Cùng đó, ưu tiên làm chủ công nghệ chế tạo vắc xin, chế phẩm thế hệ mới, nguồn gốc thực vật, kiểm soát dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại & Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Đề án nên bổ sung cách tiếp cận định hướng đi theo nghiên cứu khoa học để phục vụ kinh tế tuần hoàn. Ví dụ như mô hình vườn – ao – chuồng, ủ tro, nuôi kết hợp cá – vịt, lúa – vịt… thực chất đó cũng là kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên chưa hoàn chỉnh, cần tác động thêm vấn đề kỹ thuật, hướng dẫn người nuôi cách dùng chế phẩm sinh học để tối ưu hiệu quả của mô hình. Ngoài ra, tiêu chí xử lý chất thải chăn nuôi cũng cần được làm rõ và chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bà Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi, cho biết cần có sự so sánh, đánh giá thực trạng của thế giới và Việt Nam để lựa chọn công nghệ từ nước ngoài áp dụng cho phù hợp với tình hình trong nước. “Khi chúng ta có nghiên cứu phù hợp thì lúc đó mới đưa ra cơ chế chính sách đảm bảo tính thực tiễn. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi tiệm cận với công nghệ thế giới”, bà Cúc cho biết thêm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao các góp ý để hoàn thiện Đề án.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gắn với đổi mới khoa học công nghệ là nhiệm vụ rất quan trọng. Khi xây dựng Đề án các đơn vị cần nêu rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp; cần đối chiếu vào các nhiệm vụ như con giống, quy trình canh tác, thu hoạch hay chế biến, thị trường… liệu có phù hợp không. Từ đó mới cụ thể hóa các giải pháp sao cho đảm bảo khả thi, chi tiết, đi vào cốt lõi vấn đề. Qua Hội thảo này, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu với tinh thần thực sự cầu thị để từ có có một Đề án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gắn với đổi mới khoa học công nghệ hoàn thiện, đầy đủ và trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)