Đẩy mạnh chế biến sâu: Chuyển mình bền vững

(Người Chăn Nuôi) – Phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới phải gắn với chế biến sâu, thích ứng với nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Những kết quả tích cực

Ngành chăn nuôi Việt Nam vốn nhỏ lẻ, lạc hậu, tự cung tự cấp, song những năm gần đây, nhờ cuộc cách mạng triệt để của ngành công nghiệp chế biến, ngành chăn nuôi đang trở thành một hiện tượng trong đời sống kinh tế, xã hội.

Năm 2022, ngành chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào tăng trưởng chung của nông nghiệp. Cụ thể, ngành chăn nuôi đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phối hợp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, một phần cho xuất khẩu.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; các địa phương đã tích cực chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi thông qua biện pháp tăng cường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

chế biến xúc xích C.P. Việt Nam

Đẩy mạnh chế biến sâu là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Ảnh: C.P. Việt Nam

Tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo đạt khoảng 28,6 triệu con; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con; đàn bò khoảng 6,53 triệu con (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con). Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng sữa tươi gần 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%…

 

Đẩy mạnh chế biến sâu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức TiếnĐể thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Phùng Đức Tiến đề nghị cần tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho chăn nuôi. Đồng thời, chủ động bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi. Đặc biệt, với nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước, đã có những sản phẩm làm tốt, nhưng đối với những sản phẩm chăn nuôi sắp tới được xuất khẩu, cần có sự chuẩn bị, sẵn sàng, rà soát tất cả yếu tố cần thiết để xuất sang các thị trường, cùng với việc xúc tiến thương mại. Ngoài ra, vấn đề chế biến và chế biến sâu trong chăn nuôi còn chưa nhiều, do đó, cần đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác này.

Với những thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 3,5 – 4%. Sản lượng thịt hơi đạt 7,27 triệu tấn (trong đó sản lượng thịt heo hơi 4,5 triệu tấn); sản lượng trứng 19,1 tỷ quả; sản lượng sữa trên 1,25 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn. 

Để đạt được mục tiêu trên, ngành chăn nuôi sẽ thực hiện các giải pháp điều hành quản lý, theo đó ngành chủ động tham mưu và chỉ đạo tích cực các giải pháp điều hành quản lý, phát triển sản xuất giúp ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng kế hoạch khuyến nông năm 2024 – 2026 thuộc lĩnh vực chăn nuôi để trình Bộ phê duyệt phân giao cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào khuyến nông các vật nuôi năng suất và chất lượng cao: Bò sữa, heo hướng nạc, gia cầm… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng tại các khu đô thị, khu công nghiệp và một số mô hình sản xuất chế biến thịt heo, gia cầm phục vụ cho mục đích xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh khuyến nông các chương trình chăn nuôi gia súc ăn cỏ để cân đối nguồn thực phẩm trong tiêu dùng và ổn định thị trường.

Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Đặc biệt, Cục Chăn nuôi chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm…

Rút kinh nghiệm của nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 cũng như tác động kéo dài của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi Việt Nam vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu, nhờ đó dần làm chủ được thị trường cũng như giá cả, thu hút được đầu tư cho công nghệ chế biến.

Việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới (16 FTA đã được ký kết, Việt Nam đang đàm phán 4 FTA và 1 FTA đang được tham vấn tiến tới đàm phán là VN-UAE FTA) đem tới nhiều cơ hội xuất khẩu. Tiên phong là xuất khẩu gà sang Nhật Bản và một số quốc gia mở ra kỷ nguyên mới cho ngành chế biến thịt. Ngoài ra, nhu cầu chế biến để tiêu thụ trong nước cũng đặt ra cấp thiết.

chế biến xúc xích C.P. Việt Nam

Dây chuyền chế biến xúc xích của C.P. Việt Nam. Ảnh: Vũ Mưa

Sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo Cục Chăn nuôi, trong thời gian vừa qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo.

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngày càng giảm; cơ sở giết mổ tập trung có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô. Hiện nay, tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung ước khoảng 25 – 30% (trong đó giết mổ công nghiệp khoảng 10 – 12%). Công suất thực tế tại các cơ sở giết mổ công nghiệp còn thấp so với công suất thiết kế (dao động 30 – 65%).

Tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có 109 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng trên 1,3 triệu tấn thịt, trên 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hàng năm.

Cả nước hiện có 68 nhà máy chế biến thịt các loại; sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,3 triệu tấn, chiếm khoảng 20 – 22% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng thấp chiếm 80 – 85% (chế biến đơn giản, sơ chế) và các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (thịt hun khói, giăm bông, xúc xích, lạp xường…) chiếm khoảng 15 – 20%. Sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát đã bắt đầu phát triển chiếm khoảng 10%.

Hiện có 6 nhà máy chế biến trứng và sản lượng trứng chế biến khoảng 100 – 110 triệu quả trứng/năm, chiếm khoảng 0,7% – 0,8 % tổng sản lượng trứng sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, cả nước có 35 nhà máy chế biến sữa, trong đó phần lớn các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, tính tự động hóa cao. Hầu hết các nhà máy chế biến sữa đều chủ động liên kết vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản phẩm khá hiệu quả và đây là thế mạnh của ngành chế biến sữa của Việt Nam. Riêng trong năm 2022, đã khởi công 2 nhà máy sữa với số vốn đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng là Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu và Vinamilk.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, cũng có một số thành công khác trong lĩnh vực chế biến. Tiêu biểu như cuối năm 2022, lô hàng gà chế biến đầu tiên với số lượng 33,6 tấn của Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food) trực thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã khai thông cánh cửa xuất khẩu thịt gà. Dự kiến Công ty CPV Food sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản trong năm 2023. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga).

chế biến thịt heo của Masan MEATLife

Dây chuyền chế biến thịt heo của Masan MEATLife. Ảnh: Masan

Hay Công ty GreenFeed Việt Nam đã nhận được giấy Chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy chế biến thực phẩm GreenFeed đặt tại Khu Công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh trong tháng 9/2022. Nhà máy chế biến thực phẩm GreenFeed mới tại Tây Ninh sẽ tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến của ngành Thực phẩm thuộc GreenFeed nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng trong nước và xuất khẩu. Với tổng vốn đầu tư dài hạn hơn 700 tỷ đồng, trên tổng diện tích 60.000 m2, công suất sản lượng tối đa dự kiến 24.000 – 26.000 tấn thực phẩm chế biến/năm, nhà máy mới sẽ tập trung sản xuất các mặt hàng thực phẩm từ nguyên liệu thịt heo, gà, thuỷ sản, trứng… nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm hiện có trong ngành thực phẩm của GreenFeed.

Dự kiến trong quý I/2023, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành khởi công xây dựng Dự án nuôi bò thịt Tam Đảo. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, được thực hiện trên tổng diện tích hơn 72 ha tại xã Minh Quang (Tam Đảo) và xã Trung Mỹ (Bình Xuyên). Dự án là sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi của Việt Nam là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản. Dự án là tổ hợp trang trại chăn nuôi bò thịt, chế biến và phân phối sản phẩm thịt bò khép kín đầu tiên tại Vĩnh Phúc. Sau khi đi vào hoạt động, giai đoạn I của dự án sẽ có công suất khoảng 20 nghìn bò thịt/năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống cung cấp thịt bò chất lượng cao ổn định tại Việt Nam và Đông Nam Á, cũng như xuất khẩu đến nhiều thị trường hàng đầu ở châu Âu và châu Mỹ.

Cùng với đầu tư trong nước cho chế biến, một số doanh nghiệp FDI trong ngành chế biến nông sản thực phẩm có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam như: Công ty CJ (Hàn Quốc) đã đầu tư 4 nhà máy chế biến tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD trong thời gian tới; Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh (quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn lớn vào hoạt động chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Chế biến hiện nay là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, do vậy, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo khi Chiến lược phát triển sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 xác định sản phẩm chăn nuôi trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam hướng tới xuất khẩu.

>> Chắc chắn cuộc đua đầu tư, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị phần cũng như đa dạng hóa sản phẩm chế biến chăn nuôi sẽ cực kỳ sôi động trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây cũng là bước chuyển mình hiện đại và bền vững của ngành chăn nuôi Việt Nam hướng tới phục vụ tốt hơn thị trường trong nước và đẩy nhanh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Phương Ngọc – Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *