Ngày 18/11, Chính phủ Đan Mạch cho biết các chính đảng của nước này đã đạt nhất trí về loại thuế carbon đầu tiên trên thế giới đối với khí thải từ gia súc. Luật này sẽ được áp dụng vào năm 2030.
Bò sữa được nuôi tại trang trại ở Đan Mạch. Ảnh minh họa: Baltic News Network
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch Lars Aagaard cho biết nước này sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế carbon đối với nông nghiệp. Theo đó, loại thuế này là một phần của kế hoạch nông nghiệp lớn mang tên Green Tripartite, do chính phủ cùng một số đảng đối lập và đại diện của những người chăn nuôi, ngành công nghiệp và công đoàn đưa ra. Cụ thể, từ năm 2030, khí thải methane từ gia súc và lợn sẽ bị đánh thuế ở mức 300 kroner (42 USD) cho lượng tương đương 1 tấn CO2. Mức thuế này sẽ tiền tăng dần lên 750 kroner trong 5 năm. Tuy nhiên, mức thuế này sẽ được khấu trừ cơ bản là 60%.
Một trong những mục tiêu lớn nhất của kế hoạch Green Tripartite là mang đến sự thay đổi cho cảnh quan của Đan Mạch. Theo báo cáo của Quốc hội Đan Mạch, hiện khoảng 60% diện tích của Đan Mạch đang được sử dụng để canh tác, khiến nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ đất canh tác cao nhất thế giới, cùng với Bangladesh. Kế hoạch đặt mục tiêu chuyển đổi 10% đất canh tác thành môi trường sống tự nhiên. Kế hoạch Green Tripartite cũng kêu gọi trồng 250.000 ha rừng. Thỏa thuận phân bổ khoảng 43 tỷ kroner cho việc tái cấu trúc.
Luật này vẫn cần được Quốc hội Đan Mạch bỏ phiếu thông qua.
Đài Trang
Nguồn: TTXVN