(Người Chăn Nuôi) – Nuôi cừu quay vòng nhanh, cho hiệu quả cao, đây là một hướng đi, một cách làm mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn vật nuôi mang lại giá trị thu nhập cao ở nông thôn.
Trên thế giới
Cừu là gia súc nhỏ nhai lại có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Australia, Nam Phi với mục đích lấy thịt cừu, lông cừu, sữa cừu, da cừu và đã mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.
Theo thống kê của FAO, số lượng cừu trên thế giới có khoảng hơn 1 tỷ con. Trong đó, đàn cừu tập trung nhiều nhất ở các nước đang phát triển như ở châu Á có 463.575.597 con (chiếm 44,41% tổng đàn cừu của cả thế giới), châu Phi 255.481.282 con (chiếm 24,47% tổng đàn cừu thế giới), châu Đại Dương có số lượng cừu đứng thứ 3 thế giới là 104.238.100 (chiếm 9,98% tổng đàn), châu Âu có số lượng cừu là 96.788.620 con (chiếm 9,27% tổng đàn) và châu Mỹ có 93.101.675 con (chiếm 8,92% tổng đàn).
Ngày nay, những nước có ngành chăn nuôi cừu phát triển, có số lượng nhiều, chất lượng giống tốt phải kể đến Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Nam Phi và nhiều nhất là Trung Quốc. Mật độ chăn nuôi cừu trên thế giới tập trung nhiều nhất ở châu Á là các nước thuộc Nam Á, Tây Á và các nước Trung Đông, còn ở Trung Quốc, Mông Cổ thì tập trung phía Bắc Trung Quốc và vùng Nội Mông (Trung Á). Ở Việt Nam, cừu được chăn nuôi muộn hơn các súc vật khác như bò, gà, heo, cừu đã có từ trên 100 năm do người Chà Và (Ấn Độ) mang tới vùng Ninh Thuận gọi là cừu Phan Rang).
Tại Việt Nam
Nước ta không có giống cừu, dù là cừu rừng. Giống cừu đã và đang nuôi tại nhiều tỉnh vùng Nam Trung bộ, những giống cừu được lai tạo từ nhiều giống của châu Á, châu Âu trong hơn một thế kỷ vừa qua.
Một số giống cừu nuôi ở nước ta:
Giống cừu Chan Toung, còn được gọi là giống cừu Hồng Kông. Xuất xứ của chúng ở tỉnh Chan Toung, nằm ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Cừu Chan Toung có vóc dáng lương đối cao to, cừu đực có thể cân nặng 45 kg và cao khoảng 65 cm, đa số sắc lông màu trắng, đầu và cổ dài, mũi gồ, đùi nở nang nhiều thịt nhưng khó nuôi.
Giống cừu Yunam, được nuôi nhiều ở các vùng Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc. Cừu Yunam có nhiều sắc lông, có con đen tuyền, có con lông trắng, vàng… Cừu Yunam đầu to, mũi gồ, thân cao khoảng 60 cm nhưng mình mỏng, đùi nhỏ nên thể trạng của cừu đực chỉ khoảng trên dưới 30 kg, còn cừu cái khoảng 25 kg. Thịt cừu Yanam lại không ngon vì ít mỡ.
Giống cừu Kélantan, xuất xứ tại tỉnh Kélanian của bán đảo Malacca thuộc Malaysia, do một số chủ đồn điền người Pháp nhập vào nuôi tại nước ta khoảng năm 1906 để thử nghiệm. Cừu Kélantan là giống nhỏ con như cừu Yunam, có sắc lông màu vàng hoặc trắng, đầu nhỏ, cổ ngắn, thân thấp, đùi ngắn và nhỏ nên ít thịt. Cừu Kélantan ít tật bệnh, lại không kén ăn và sinh sản tốt, tuy ít thịt nhưng thịt thơm ngon được nhiều người chọn nuôi.
Giống cừu lai: Người ta dùng cừu đực là giống của châu Âu cao to, nặng khoảng 70 kg, cho phối giống với cừu cái Kélantan (nhỏ khoảng 30 kg), để có đàn con lai nặng trên dưới 50 kg. Giống cừu lai này mang đặc tính tốt của mẹ là dễ nuôi, hợp thủy thổ…
Giống cừu Phan Rang: Hiện được nuôi nhiều ở các tỉnh thuộc miền Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và rải rác ở một số địa phương khác, được coi là giống cừu lai duy nhất còn lại tại nước ta, và được đặt tên là cừu Phan Rang.
Hiệu quả cao
Hiện cừu đang được nuôi ở nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình ở Hà Nội, ông Dương Tiến Sử (ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cừu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đàn cừu 65 con đang cho ông Sử một khoản thu nhập rất lớn. Với cừu thương phẩm có giá dao động từ 150 – 170 nghìn đồng/kg, giá cừu sinh sản từ 200 – 250 nghìn đồng/kg. Ông cho biết: “Mỗi năm tôi xuất bán khoảng từ 150 – 200 con, bù mọi chi phí tôi cũng thu về khoảng 1 tỷ đồng”.
Tại Nghệ An, anh Nguyễn Văn Tứ (ở xóm 11, xã Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã dồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín và vào Ninh Thuận mua cừu giống về nuôi. Đến nay, trại cừu của anh Tứ đã có hơn 100 con, trong đó có 10 con đang bước vào giai đoạn sinh sản. Theo anh Tứ, nuôi một con cừu giống đến khi đạt trọng lượng từ 20 – 30 kg/con mất từ 6 – 8 tháng, là thích hợp nhất để làm cừu thương phẩm. Giá cừu hơi hiện nay dao động từ 140 – 150 nghìn đồng/kg. Với đàn cừu hiện tại của anh bán ra thị trường thu về hơn 300 triệu đồng. Nếu bán thịt róc xương giá từ 400 – 450 nghìn đồng/kg thì thu về gấp 1,2 – 1,5 lần so với bán cừu hơi.
Theo người nuôi, chuồng trại nuôi cừu đơn giản nhưng cần phải cao ráo, thoáng mát và có nhiều ánh sáng. Cừu dễ nuôi hơn dê, ít bệnh tật, ăn rất ít, không chỉ ăn cỏ mà còn ăn được các loại lá cây, thậm chí các loại tinh bột qua chế biến như cám, ngô, khoai… Cừu cũng thích nghi với khí hậu rất tốt, nhiệt độ khoảng trên 200C, vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp phải chú ý che chắn chuồng trại, và giữ ấm cho chúng. Cừu là đối tượng có giá trị kinh tế, mở ra hướng phát triển mới cho nhiều địa phương.