Cựu chiến binh nuôi dê lai làm giàu

Giữa đất đồi Tam Bố, huyện Di Linh (Lâm Đồng), một tấm gương cựu chiến binh đang ngày đêm lao động sản xuất, làm giàu chính đáng. Từ nghề nuôi dê lai của người cựu chiến binh ấy, nhiều nông hộ khác đang học theo, mở ra một nghề chăn nuôi mới trên đất đồi rừng.

Ông Phạm Tấn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố chia sẻ, Tam Bố có diện tích lớn nhưng cư dân lại không có nhiều đất canh tác. Bởi đất Tam Bố chủ yếu là đất rừng, đất đồi, chất đất khá khô, nhiều đá, không tốt cho cây trồng như các địa phương khác cùng huyện Di Linh. Và, từ cái khó ló cái khôn, một cựu chiến binh nông dân đã tìm ra hướng đi mới rất thích hợp, đó là nuôi dê lai – một vật nuôi lớn nhanh, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. 

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Tấn Châu đưa “khách báo” tới thăm gia đình ông Trần Quốc Văn, một cựu chiến binh sản xuất giỏi của xã Tam Bố. Ông Văn vốn quê gốc xứ chiêm trũng Hà Nam, đã từng là lính phòng không – không quân gìn giữ bầu trời Tổ quốc từ năm 1980 – 1985. Sau khi giải ngũ, ông Văn vào Lâm Đồng, định cư nơi vùng đất đồi Tam Bố. Trồng cà phê, trồng rừng…, ông Văn và gia đình đã trải qua quá trình gắn bó với nhiều cây trồng, vật nuôi cho tới năm 2014, ông làm quen và bắt đầu nuôi dê lai.

nuôi dê lai

CCB Trần Quốc Văn cho dê ăn lá

Cựu chiến binh Trần Quốc Văn giới thiệu về con dê lai với những ưu điểm rất nổi trội. Đây là dòng dê lai giữa dê bách thảo và dê Boer, vừa mang đặc tính dễ chăm sóc, nuôi thả của dê bách thảo, lại vừa nhanh lớn, cho nhiều thịt của dê Boer. Ông Văn cho biết: “Ban đầu tôi cũng đi tham quan nhiều trại dê, thấy giống dê Boer to, mau lớn thì rất thích. Nhưng chăm dê Boer đòi hỏi phải làm chuồng trại cẩn thận, chăm sóc kỹ thì thấy không phù hợp lắm với điều kiện gia đình. Vì vậy tôi chọn con dê lai này, vừa nhanh lớn, trọng lượng khá, lại rất dễ chăm sóc, phù hợp với đặc điểm vườn rừng của gia đình”. Vậy là ông mua vài con dê cái và một dê đực về bắt đầu gầy đàn.

Theo ông Văn, con dê lai rất thích hợp với hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ. Dê được nuôi bán thả, ban ngày trời nắng, dê chơi dưới sân, vào ban đêm hoặc khi trời mưa, dê tự lên chuồng. Thức ăn cho dê cũng rất dễ, dê có thể ăn đa dạng, từ cỏ, lá cây các loại như lá gòn, lá mít, lá vông…, thứ vốn rất sẵn ở vùng đồi Tam Bố, chỉ chịu khó đi kiếm, đi hái chứ không mất tiền mua. Khi dê mẹ mang thai hoặc sinh con, có thể cho ăn thêm cám, bắp để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng sữa. Dê cái mang bầu 5,5 tháng, sinh từ 2-3 con. Dê mẹ cho bú chỉ vài tháng là tách dê con, cho dê mẹ lên giống lại. Mỗi năm, một con dê cái có thể sinh 2 lứa, đạt từ 4-5 dê con. Tốc độ nhân đàn của dê lai là khá nhanh.

Ông Trần Quốc Văn nhận xét: “Ở vùng đất nhiều cây cỏ như Tam Bố không con vật nào dễ chăm, dễ nuôi bằng con dê lai. Thức ăn dễ kiếm, dê ít bệnh, mau lớn, giá bán rất tốt. Như nhà tôi thu nhập chính là từ đàn dê, khách hàng tới tận nơi thu mua, rất dễ bán”. Ông Văn cho biết, dê lai không to bằng dê Boer nhưng cũng đạt trọng lượng bình quân 25 kg/con dê cái, 30 kg/con dê đực, thịt khá dày, khách hàng rất ưa chuộng. Với chế độ ăn rất đơn giản, mỗi tháng dê tăng tới 6 kg, chỉ cần 5 tháng là có thể xuất chuồng một lứa. Dê giống mang thai giá 150 ngàn đồng/kg, dê thịt giá 130 ngàn đồng/kg, cân hơi tại chuồng. Vì vậy, với đàn dê 30 con, mỗi năm ông Văn thu hàng trăm triệu đồng trong khi chi phí rất thấp. 

Với hiệu quả thực tế từ đàn dê lai của gia đình ông Trần Quốc Văn, bà con trong xã tới mua giống từ ông để phát triển đàn dê khá nhiều. Khi cung cấp giống, ông Văn đảm nhiệm luôn tư vấn kỹ thuật cho bà con. Ông luôn nhắc nhở người nuôi dê phải cẩn thận, tiêm chủng cho dê các bệnh thường gặp đúng thời gian, cho dê ăn lá khô, ráo nước vì lá ướt dê dễ đau bụng. Ông cùng bà con thường xuyên trao đổi giống dê đực, tránh bị trùng huyết trong đàn. Ông Văn cho biết, dê đực cần thay sau 2 năm, dê cái mẹ thay sau 4 năm để đảm bảo lứa dê F1 luôn khỏe mạnh. Theo ông, chỉ cần chăm chỉ, một gia đình nuôi vài cặp dê lai là có thể gầy đàn dê trong vài năm, cho thu nhập rất tốt, rất nhanh, phù hợp với người nông dân vốn ít.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố Phạm Tấn Châu nhận xét, cựu chiến binh Trần Quốc Văn là một công dân gương mẫu, một nông dân sản xuất giỏi, hăng hái tham gia công tác trong thôn, trong xã. Ông là một tấm gương về chăn nuôi, đồng hành cùng bà con Tam Bố phát triển con dê lai, mang lại một giống vật nuôi hiệu quả trên đất vườn rừng.

Diệp Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *