Theo chân cán bộ Hội Nông dân (HND) Yên Phong (Bắc Ninh), chúng tôi đến thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Đỉnh, hội viên nông dân xã Long Châu. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành Quản trị kinh doanh nhưng anh Đỉnh luôn đau đáu ước mơ làm giàu từ mô hình kinh tế ngay tại chính đồng đất quê hương. Nghĩ là làm, năm 2016, anh đấu thầu thuê 8.000 m2 ruộng trũng bỏ hoang, bắt tay cải tạo chăn nuôi vịt, dê, đào ao thả cá.
Anh Đỉnh chia sẻ: “Dấn thân vào nghề nông mới càng thấy nỗi vất vả, của nghề. Nhưng cũng vì đam mê đã giúp tôi quên mệt mỏi. Càng khó khăn, tôi càng muốn tìm ra cách để khắc phục. Được sự hỗ trợ từ HND các cấp và thông qua mạng internet, tôi kết nối, chia sẻ, học hỏi được kinh nghiệm nhiều người đi trước. Sau 5 năm vừa học vừa làm, trang trại của tôi giữ ổn định sản xuất với đàn vịt thương phẩm hơn 10.000 con, đàn dê 300 con và 4 ao nuôi cá với diện tích hơn 1.200 m2. Với quy mô này, mỗi năm, trang trại đem lại thu nhập hàng tỷ đồng; tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/tháng”.
Hội viên Trần Văn Tường kiểm tra lô gà giống trước khi xuất bán.
Tương tự, hội viên Trần Văn Tường (phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn) trước kia từng làm nghề buôn phế liệu đem lại nguồn thu nhập khá tốt, nhưng do sở thích chăn nuôi nên năm 1994 anh Tường bàn với gia đình chuyển sang làm mô hình nuôi gà. Những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào nghề, anh phải sang tận Viện Chăn nuôi để học hỏi kinh nghiệm một số các kỹ sư đầu ngành về kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi; tự mua nguyên liệu về chế biến thành cám cho gà ăn. Do không có diện tích nuôi thả gà tại nhà, anh phải đi thuê và chuyển địa điểm chăn nuôi khá nhiều lần. Năm 1998, anh thuê được một trại chăn nuôi của quân đội ở Long Biên (Hà Nội) và nâng số lượng đàn gà trắng siêu thịt lên tới 10.000 con. Tuy nhiên, đến thời điểm xuất chuồng, giá gà giảm mạnh, anh bị lỗ gần 200 triệu đồng. Không nản trí, anh Tường vẫn quyết tâm duy trì mô hình. Nhưng đại dịch cúm gia cầm lại xuất hiện đàn gà phải thiêu hủy hoàn toàn, dường như thêm một lần nữa thử sức anh. Năm 2005 anh Tường chuyển sang nuôi gà bố mẹ giống Ai Cập. Thời gian đầu, anh nuôi gà bố mẹ Ai Cập vằn, nhưng tỷ lệ đẻ thấp, chỉ đạt 60 – 65%. Anh Tường cho biết: “Ban đầu, tôi mua 20 con gà trống Leghorn của Mỹ về lai tạo với gà mái Ai Cập vằn, cho ra giống gà mái, đực màu trắng. Đàn gà giống mới này có tỷ lệ đẻ bình quân từ 70 – 75%, lúc cao điểm đạt 90%, cao hơn giống gà Ai Cập vằn từ 10 – 15%. Đến nay, khu chăn nuôi gà của tôi rộng khoảng 3000 m2, nuôi 15.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín và khu ấp nở rộng 800 m2. Hàng tháng xuất ra thị trường khoảng 300.000 gà giống, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho 16 lao động thu nhập ổn định. Thành quả này là nhờ vào ý chí và nghị lực của bản thân cùng sự đồng hành, hỗ trợ của HND các cấp đã giúp tôi trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư tăng gia sản xuất…”.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh quyết tâm “bám đất, bám ruộng”, nỗ lực vượt qua khó khăn, làm giàu bằng nghề nông. Toàn tỉnh hiện có gần 80.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi”; trong đó có nhiều mô hình cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của HND các cấp.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo được sức lan tỏa rộng rãi; hàng năm thu hút hơn 90.000 hộ hội viên đăng ký tham gia và có hơn 85% tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi”. Thông qua các chương trình, hoạt động của Hội, hội viên, nông dân được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ sản xuất như vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn 98,7 tỷ đồng; 774 tỷ đồng từ nguồn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội; cung ứng hàng nghìn tấn phân bón theo hình thức trả chậm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, nâng cao trình độ sản xuất; hướng dẫn, vận động nông dân thành lập chi, tổ HND nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản…
Theo ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch HND tỉnh, thời gian tới, HND các cấp tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của nông sản; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đổi mới tác phong làm việc, tư duy sản xuất trong thời đại 4.0 để thích ứng tốt với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Quang Minh
Nguồn: Báo Bắc Ninh