(Người Chăn Nuôi) – Các nhà khoa học của Viện Pirbright, Anh cho biết, với công nghệ vaccine mới có thể giúp chống lại các bệnh nguy hiểm ở động vật.
Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Pirbright tiến hành đánh giá xem liệu các công nghệ mới có thể được áp dụng để tạo ra vaccine hiệu quả và an toàn hơn để chống lại những bệnh nguy hiểm trên gia súc hay không?
Cụ thể, hai nghiên cứu sẽ được thực hiện bởi Viện Pirbright ở Anh với thời gian khoảng 2 – 3 năm, mục đích áp dụng các phương pháp tiếp cận mới để tạo ra vaccine phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF), hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRS) và virus hợp bào gây bệnh hô hấp ở bò (BRSV).
Theo Chris Netherton, Trưởng nhóm nghiên cứu vaccine ASF tại Pirbright, cách tiếp cận thông thường để sản xuất vaccine ASF là sử dụng kỹ thuật tìm và xóa gen gây bệnh của virus. Sau đó, virus đã bị bất hoạt hoặc bị suy yếu sẽ được tiêm vào con heo nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch của vật nuôi giúp cơ thể chúng phát triển kháng thể để không bị nhiễm bệnh. Nhưng vì bộ gen virus ASF có kích thước khổng lồ, lớn gấp 5 lần so với virus gây bệnh COVID-19 nên việc xác định các gen cụ thể để xóa đã được chứng minh là khó khăn. Vì vậy, thay vì chọn các gen riêng lẻ để nghiên cứu cơ chế hoạt động, Netherton cho biết, anh và các đồng nghiệp bắt đầu với hướng tiếp cận tổng quát hơn. Ðó là họ sẽ quan sát cách bộ gen của virus tương tác với vật chủ và sau đó xác định các gen nguy hiểm nhất, để nghiên cứu phương pháp sản xuất vaccine mới hoặc cũng có thể phát triển một loại thuốc kháng virus hiệu quả.
Cùng quan điểm, Simon Graham, Trưởng nhóm miễn dịch học về PRRS tại Pirbright cho hay, hướng nghiên cứu này cũng tương tự đối với dự án thứ hai nhắm vào PRRS và BRSV. Ông cho biết, vaccine chống lại những căn bệnh này cũng được sản xuất bằng cách sử dụng các phiên bản đã suy yếu của virus. Tuy nhiên, điển hình như đối với dịch COVID-19, hiện nay cũng đã có nhiều phương pháp khác nhau để phát triển và sản xuất vaccine. Vì vậy, nhóm của ông có kế hoạch thử nghiệm sử dụng vaccine PRRS được sản xuất bằng DNA chứ không sử dụng virus bị bất hoạt. Theo ông, đã có bằng chứng cho thấy vaccine dựa trên DNA có thể hiệu quả hơn ở động vật non so vaccine thông thường.
Kế hoạch của nhóm cho nghiên cứu là sẽ sử dụng vaccine DNA với liều thứ nhất và liều thứ 2 là vaccine từ virus đã được biến đổi. Sau đó tiến hành theo dõi kết quả xem liệu vaccine dựa trên DNA có thực sự tăng hiệu quả của các liều trong tương lai hay không. Cùng đó, virus trong vaccine thứ hai cũng sẽ được biến đổi gen để tạo ra khả năng bảo vệ cao hơn nữa bằng cách sử dụng một kỹ thuật mới được gọi là chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch để điều chỉnh hệ thống miễn dịch phản ứng với vaccine. “Hầu hết các chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch đang được thử nghiệm trên người, vì vậy Pirbright sẽ làm việc với một công ty dược phẩm để thực hiện các sửa đổi mong muốn đối với virus dễ dàng hơn”, Graham chia sẻ.
Lê Loan
(Theo Feedstrategy)