(Người Chăn Nuôi) – Con lai ngan vịt có khả năng sinh trưởng nhanh, tỷ lệ nuôi sống đạt cao, chất lượng thịt thơm ngon, đạm hơn thịt vịt và không khô như thịt ngan, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt nếu để nuôi nhồi lấy gan béo.
Năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) đã bắt đầu chọn tạo và phát triển con lai ngan, vịt; thế hệ đầu tiên là sản phẩm con lai giữa ngan R31 x Vịt Super M. Con lai này có khối lượng 3.632 g/con/70 ngày tuổi, tỷ lệ thịt xẻ 71,7% và tiêu tốn thức ăn 3,75 kg. Dòng thứ 2 là con lai giữa Ngan R71 x Vịt M14, M15 bắt đầu từ năm 2005 đến nay; khối lượng 70 ngày tuổi của con lai đạt 3.821 – 3.903 g/con; tỷ lệ thịt xẻ 71,3 – 71,5% và tiêu tốn thức ăn giảm còn 2,79 kg.
Ưu điểm của con lai ngan vịt là khả năng sinh trưởng nhanh, độ chênh lệch giữa con trống và con mái không có, tỷ lệ nuôi sống đạt cao, đạt 97 – 100%, chất lượng thịt thơm ngon, đạm hơn thịt vịt và không khô như thịt ngan, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt nếu để nuôi nhồi lấy gan béo. Được biết, nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng thành công mô hình chăn nuôi con lai ngan vịt này như Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Phú Thọ…
Điển hình, từ năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên triển khai đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất con lai giữa ngan trống 71 với vịt mái M14 bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; kết quả theo chia sẻ của các hộ dân tham gia mô hình, con lai nhanh lớn hơn, tiêu tốn thức ăn thấp hơn, tuổi giết thịt ngắn hơn so với ngan; chất lượng thịt ngon hơn thịt vịt, trắng hơn thịt ngan và ít mỡ hơn; khối lượng con trống và con mái chênh lệch nhau không nhiều.
Không chỉ ở Việt Nam, con lai ngan vịt cũng được một số nước tại châu Á, châu Âu phát triển mạnh với mục tiêu làm thực phẩm do hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, con lai ngan vịt có khả năng kháng các bệnh so với các loại gia cầm cao như: Kháng với virus Hepatitis (gây viêm gan), kháng với virus Parvovirus (vius gây giảm hệ miễn dịch); có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn ngan, nhưng hơi thấp hơn so với vịt… là con lưỡng tính (dimorphism) nên không có sự chênh lệch khối lượng giữa trống và mái. Thịt con lai có màu đỏ, tỷ lệ nạc rất cao. Việc phát triển con lai ngan vịt trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu xu thế của thị trường về ngoại hình và màu sắc sản phẩm cũng như màu sắc và khổ thịt. Gia tăng khối lượng thịt ức để làm các món ức chiên (magrets). Qua đó, góp phần gia tăng sản lượng theo nhu cầu thị trường công nghiệp cũng như truyền thống và đặc biệt cải thiện lượng mỡ gan.