(Người Chăn Nuôi) – Xung quanh câu chuyện chuyển đổi số ngành chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng (ảnh) chia sẻ: “Chuyển đổi số là công cuộc chung, doanh nghiệp, người dân và cơ quan Nhà nước cùng tham gia thực hiện. Cục Chăn nuôi sẽ thực hiện với phương châm: Lắng nghe, chia sẻ, phối hợp hiệu quả nhất với doanh nghiệp; Chủ động, đồng hành và hỗ trợ thiết thực với người chăn nuôi”.
Ông có thể cho biết vì sao phải thực hiện chuyển đổi số đối với ngành chăn nuôi?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên để phát triển nền kinh tế gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý, sản xuất và kinh doanh. Ngành chăn nuôi là một ngành kinh tế kỹ thuật cũng không thể nằm ngoài xu hướng phát triển này. Theo tôi, chuyển đổi số ngành chăn nuôi bắt buộc phải thực hiện vì 2 lý do. Thứ nhất, đây là yêu cầu trong việc thực thi pháp luật và công tác quản lý ngành. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đối với ngành chăn nuôi, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, bao gồm Luật Chăn nuôi, 2 Nghị định và 5 Thông tư để quản lý ngành, trong đó Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT quy định về việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu về chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT yêu cầu tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Để thực hiện được công tác khai báo và cập nhật dữ liệu cơ sở chăn nuôi cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, đây là một trong những nhiệm vụ của chương trình chuyển đổi số của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Thứ hai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của sản xuất – kinh doanh ngành chăn nuôi. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp dự báo chính xác và kịp thời về sản lượng sản xuất, cung cầu thị trường, về nguồn gốc và giá cả sản phẩm. Trong thời đại số, nếu không cập nhật được thông tin, không có dự báo thì các tác nhân trong chuỗi giá trị sẽ không thể đưa ra kế hoạch phù hợp để tổ chức sản xuất kinh doanh. Đây chính là điểm yếu cần phải khắc phục của ngành chăn nuôi. Yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài đối với công tác quản lý cơ sở chăn nuôi là nhất thiết cần phải thiết lập cơ sở dữ liệu toàn quốc về chăn nuôi, cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình sản xuất chăn nuôi từng thời điểm, giai đoạn cho người chăn nuôi, người làm công tác chuyên môn có thể nắm bắt, tra cứu, tiếp cận chính xác, đầy đủ thông tin về tình hình sản xuất chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chăn nuôi là bước khởi đầu quan trọng cho việc xây dựng mã định danh cho từng vật nuôi, loại vật nuôi, giống vật nuôi trở thành khối dữ liệu cơ bản, nền tảng phục vụ công tác quản lý, điều hành và định hướng chăn nuôi cho từng giai đoạn, thời điểm cho cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Chăn nuôi, Sở NN&PTNT) cũng như dữ liệu dùng chung cho toàn ngành nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Trước xu hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin vào từng lĩnh vực, hội nhập và phát triển quốc tế hiện nay, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và định hướng chuyên ngành chăn nuôi, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu chăn nuôi là phù hợp với yêu cầu thực tế và sự cần thiết triển khai sớm.
Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số của ngành chăn nuôi được kỳ vọng là bước đột phá mới nhằm giải quyết được các vấn đề còn tồn tại, góp phần thúc đẩy sản lượng, chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đưa nông nghiệp Việt Nam từng bước phát triển một cách bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số ngành chăn nuôi là ai, thưa ông?
Nông hộ, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi là trung tâm của chuyển đổi số ngành chăn nuôi. Chính phủ sẽ làm tốt hơn công tác hoạch định, quy hoạch sản xuất, kiểm soát an toàn thực phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc; Doanh nghiệp/người chăn nuôi sẽ xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh một cách chủ động, hiệu quả hơn, thông minh hơn và có trách nhiệm hơn nhờ việc cập nhật, khai thác và chia sẻ thông tin.
Chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số (quản lý điều hành của Cục Chăn nuôi số); Phát triển kinh tế số trong chăn nuôi; Và phát triển xã hội số trong ngành chăn nuôi.
Ảnh: Freepik
Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn của ngành chăn nuôi nước ta trong vấn đề chuyển đổi số?
Chuyển đổi số trong chăn nuôi hướng đến việc thay đổi tư duy quản lý/quản trị, thay đổi cách thức vận hành các hoạt động từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin một cách hệ thống. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể cập nhật, quản lý và chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời, ngoài ra, có thể dự báo tốt hơn, từ đó, góp phần làm cho ngành chăn nuôi phát triển minh bạch, bền vững hơn. Theo tôi, chuyển đổi số của ngành có một số thuận lợi như: Sự chỉ đạo và thống nhất cao của Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo Bộ NN&PTNT: Bộ trưởng Lê Minh Hoan (Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (Phó Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành NN&PTNT) rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Cơ sở vững chắc và xuyên suốt từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chăn nuôi và thực hiện. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết của thực tiễn sản xuất chăn nuôi về chuyển đổi số. Ngành chăn nuôi có nền tảng tốt và kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Một cửa quốc gia và Hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn như: Chuyển đổi số là vấn đề mới, các chủ thể trong ngành chăn nuôi từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, nông hộ mới bước đầu tiếp cận và hầu như chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, trong khi cơ sở chăn nuôi quy mô lớn theo phương thức trang trại còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Hầu hết người chăn nuôi quy mô nông hộ không có thói quen ghi chép, cập nhật số liệu chăn nuôi. Khó khăn trong việc thiết lập được hệ thống đảm bảo kết nối và cập nhật thông tin chính xác, có lợi ích thiết thực để doanh nghiệp/người chăn nuôi/cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi chủ động tham gia.
Ngành chăn nuôi Việt Nam kỳ vọng kết quả gì từ việc chuyển đổi số thành công?
Chúng ta có thể thu được nhiều lợi ích nếu chuyển đổi số thành công. Đối với người chăn nuôi, chuyển đổi số giúp họ có thể biết được các dự báo về sản lượng, nhu cầu của thị trường trong 3 – 6 tháng để có thể điều tiết kế hoạch chăn nuôi phù hợp. Họ cũng biết được thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư để có thể chọn lựa khách hàng giao dịch/ký kết hợp đồng. Các thông tin về dịch bệnh cũng được phổ cập để người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin và marketing sản phẩm cho người chăn nuôi và các đối tác khách hàng.
Đối với cơ quan quản lý, việc cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời về năng lực sản xuất và cung cầu thị trường sẽ rất hữu ích trong hoạch định chính sách phát triển, có các báo cáo phân tích và dự báo giúp ngành chăn nuôi một cách hiệu quả và bền vững.
Theo ông, cần phải làm gì để việc chuyển đổi số thực sự hiệu quả?
Trước mắt, chúng ta phải thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cấp và người chăn nuôi về yêu cầu và lợi ích của chuyển đổi số. Tiếp đến, chúng ta phải hợp tác với các đối tác uy tín trong ngành công nghệ thông tin để xây dựng một kế hoạch khả thi và phù hợp. Sau đó, chúng ta cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hay nói cách khác là số hóa các dữ liệu theo một cách hệ thống về ngành chăn nuôi. Muốn vậy phải xây dựng các phần mềm để thu thập dữ liệu, rồi tiến đến phân tích dữ liệu đó thành các dữ liệu có ích để phục vụ người chăn nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Chúng ta phải thấy rằng, chuyển đổi số ngành chăn nuôi phải đặt lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lên trước tiên, đưa họ vào trung tâm của chuyển đổi số để họ chủ động cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin.
Có thể nói, chuyển đổi số ngành chăn nuôi vừa có tính độc lập, vừa có tính phụ thuộc. Trong đó phải coi chuyển đổi số ngành chăn nuôi là bộ phận không thể tách rời trong tổng thể chuyển đổi số ngành NN&PTNT, cao hơn là chuyển đổi số quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Chuyển đổi số là một nhiệm vụ nhiều thách thức và khó khăn nhưng rất khẩn trương, nếu chúng ta không bắt đầu và thực hiện nhanh sẽ bị bỏ lại phía sau và không còn cơ hội đi tiếp. Tôi xin trích lại lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Đừng để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số trong nông nghiệp”.
Ông Dương Tất Thắng
Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Hồng Thắm
(Thực hiện)