(Người Chăn Nuôi) – Tại Hội nghị bàn tròn cấp cao về kháng thuốc do Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) nhận định, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức về phòng, chống kháng kháng sinh.
Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh. Điều này đã, đang và sẽ đe dọa đến sức khỏe cũng như sự phát triển của toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, hàng năm thế giới có hơn 700.000 người chết do các vi khuẩn kháng kháng sinh. Nếu giữ nguyên tốc độ gia tăng kháng kháng sinh như hiện tại, đến năm 2050, số người chết do kháng kháng sinh có thể lên đến 10 triệu người.
Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn (thứ tư từ trái sang) tham gia thảo luận tại Hội nghị cấp cao về kháng kháng sinh. Ảnh: Thùy Khánh
Theo Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về phòng, chống kháng kháng sinh. Ông Sơn dẫn chứng Dự án điều tra của Cục Thú y về việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi heo tại 5 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định vào năm 2015. Kết quả, 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho heo. 68% cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. 24% cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% hộ nuôi trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu. Đáng lo ngại hơn khi chỉ có 63% cơ sở tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình sử dụng kháng sinh.
“Giảm thiểu và hướng tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang là thách thức không hề nhỏ. Thực hiện điều này rất khó nhưng chúng ta vẫn cần phải làm sớm, bởi đây là vấn đề của cộng đồng để sử dụng những sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn, chất lượng”, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn phân tích một số nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trước hết, do đặc điểm thời tiết khí hậu, nóng ẩm mưa nhiều, môi trường sống của con người và vật nuôi tại một số khu vực bị ô nhiễm nặng, khiến tình hình nhiễm khuẩn, bệnh tật có xu hướng ngày càng gia tăng cả trên người và vật nuôi. Tiếp đó là do thói quen lạm dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh trên người và vật nuôi. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống y tế không theo kịp với sự gia tăng về dân số, còn trong lĩnh vực nông nghiệp, sự phát triển về quy mô chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không gắn liền với sự bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có sự thay thế việc sử dụng kháng sinh bằng các chế phẩm khác trong phòng và điều trị bệnh trên người và gia súc một cách hiệu quả.
Trước những thách thức nêu trên, Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn khuyến cáo 4 giải pháp phòng chống kháng kháng sinh ở nước ta.
Một là, cần thay đổi cách tiếp cận trong chiến lược trong phòng, chống kháng kháng sinh. Trong đó, phòng là chính, chống là phụ. Vì vậy, trước tiên cần tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường sống cho con người và vật nuôi tại các khu vực nguy cơ cao để giảm thiểu bệnh tật.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cho người dân về sử dụng kháng sinh bảo đảm “4Đ” cả trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực nông nghiệp. Đó là đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian và đúng cách.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; có chế tài xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Bốn là, hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp.
Thùy Khánh