(Người Chăn Nuôi) – Bằng cách chăm sóc tốt dinh dưỡng cho nái, đảm bảo heo con đủ sữa đầu chất lượng và áp dụng cho ăn sớm, người nuôi có thể nâng cao sức khỏe và năng suất heo con ngay từ đầu.
Hệ miễn dịch khỏe mạnh rất quan trọng đối với sự sống và phát triển của vật nuôi. Ở heo con, hệ miễn dịch giúp chúng vượt qua những giai đoạn khó khăn như những ngày đầu đời hoặc khi cai sữa. Trong giai đoạn sinh, có thể hỗ trợ bằng cách tăng chất và lượng sữa non, đồng thời thúc đẩy heo con phát triển hệ miễn dịch càng sớm càng tốt.
Chế độ nuôi dưỡng hợp lý cho heo nái
Dinh dưỡng đầy đủ cho heo nái và heo con có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đẻ, sức khỏe của heo mẹ, khả năng tiết sữa non, sự phát triển miễn dịch và tăng trưởng của heo con. Hệ miễn dịch khỏe mạnh là yếu tố then chốt giúp heo con thích nghi tốt với các giai đoạn thử thách sau sinh, đặc biệt là khi cai sữa.
Chất lượng sữa non bị ảnh hưởng bởi dinh dưỡng
Heo mới sinh chưa có hệ miễn dịch hoạt động, nên hoàn toàn phụ thuộc vào việc hấp thu globulin miễn dịch G (IgG) từ sữa non trong vài giờ đầu sau khi sinh để hình thành miễn dịch thụ động. Việc nhận đủ IgG từ sữa non giúp tăng cường khả năng đề kháng, cải thiện hiệu suất tăng trưởng về sau và không phụ thuộc vào trọng lượng sơ sinh.
Quá trình tạo sữa non có thể bị tác động trong vòng 3 tuần trước khi sinh, nhưng thành phần chất béo trong sữa non chủ yếu được hình thành trong 48 giờ cuối cùng trước khi nái đẻ. Việc cải thiện chất lượng sữa non thường dễ đạt hơn so với việc tăng số lượng.
Một số hợp chất như axit béo chuỗi trung bình (MCFA), chiết xuất nấm men, và butyrat có thể hỗ trợ điều hòa miễn dịch và tăng hàm lượng IgG trong sữa non. Tuy nhiên, nếu IgG được huy động nhiều vào sữa non, heo nái có thể bị suy giảm miễn dịch tạm thời, do phải sử dụng nguồn dự trữ miễn dịch trong khoảng hai tuần cuối thai kỳ và đầu giai đoạn nuôi con.
Chế độ ăn cho nái đẻ
Tình trạng cơ thể của nái ảnh hưởng đến sản lượng sữa non nhiều hơn mức độ cho ăn. Nái đạt sản lượng sữa non cao nhất khi bước vào khu vực đẻ với thể trạng trung bình (điểm thể trạng 3 – 3,25: xương sườn, sống lưng và hông chỉ cảm nhận được khi ấn mạnh, không lộ rõ). Cần tránh cho ăn quá mức để hạn chế tình trạng nái quá mập trước khi đẻ.
Trong thời gian đẻ, nhu cầu năng lượng tăng cao do hoạt động sinh đẻ và thay đổi sinh lý. Không nên ngừng cho ăn vào ngày đẻ; nếu nái có nhu cầu, có thể cho ăn tối đa 3 kg. Cho ăn thấp hơn một chút so với nhu cầu giúp nái huy động mỡ dự trữ hiệu quả.
Việc ngừng cho ăn để tránh táo bón là sai lầm phổ biến. Thức ăn giúp kích thích nhu động ruột, còn việc hãm ăn lại làm chậm tiêu hóa và tăng nguy cơ táo bón.
Dinh dưỡng cho heo con phát triển hệ tiêu hóa và miễn dịch
Trong giai đoạn đầu đời, hai yếu tố then chốt trong nuôi dưỡng heo con là: bổ sung sớm kháng thể qua sữa đầu để tăng cường miễn dịch và cung cấp thức ăn sớm nhằm kích thích sự phát triển của hệ tiêu hóa.
Sữa non chất lượng – càng sớm, càng nhiều, càng tốt
Ngay sau khi sinh, heo con cần được bú sữa non càng sớm và càng nhiều càng tốt. Sữa non là nguồn cung cấp miễn dịch thụ động chính nhờ chứa kháng thể IgG, nhưng heo con chỉ hấp thu được các phân tử này trong vòng 6 – 12 giờ đầu trước khi xảy ra hiện tượng “đóng ruột”. Quá trình này hoàn tất sau khoảng 24 giờ.
Nồng độ IgG trong sữa non giảm một nửa chỉ sau 6 giờ kể từ khi heo con đầu tiên được sinh ra. Do đó, heo con cần bú ít nhất 250 g sữa non trong 24 giờ đầu, tốt nhất là trong 6 giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, có tới 30% heo nái không tiết đủ sữa non, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sức sống của heo con.
Tách mẹ giúp heo con yếu khởi đầu tốt hơn
Tách mẹ là biện pháp quản lý hiệu quả trong chăn nuôi heo nái đẻ nhiều con. Phương pháp tạm thời tách heo con khỏe ra khỏi mẹ tạo điều kiện cho heo con yếu hoặc nhỏ hơn dễ dàng tiếp cận sữa đầu và sữa mẹ. Nhờ đó, tất cả heo con đều có cơ hội nhận đủ dinh dưỡng trong những giờ đầu tiên sau sinh – giai đoạn then chốt cho sự sống và phát triển sau này.
Đàn lớn làm tăng nguy cơ thiếu năng lượng
Heo con sinh ra với nguồn năng lượng dự trữ hạn chế. Việc bú sữa non giúp tăng chuyển hóa và duy trì thân nhiệt, đồng thời cung cấp khoảng 70% nhu cầu năng lượng trong 72 giờ đầu sau sinh.
Phần lớn heo con chết trong giai đoạn này là do thiếu năng lượng, không phải do thiếu miễn dịch. Xu hướng tăng số con/lứa ở đàn nái đang làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Dinh dưỡng sớm
Thức ăn giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ heo con phát triển hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và hệ vi sinh đường ruột – chứ không chỉ nhằm mục tiêu tăng trọng. Việc cho ăn sớm giúp kích thích sự tiết enzym tiêu hóa và axit dạ dày, hỗ trợ phân giải các chất dinh dưỡng phức tạp, đồng thời giúp heo con làm quen với thức ăn rắn, giảm căng thẳng khi cai sữa.
Ngoài ra, thức ăn sớm còn giúp heo con phát triển khả năng dung nạp qua đường miệng, hạn chế phản ứng mẫn cảm với các thành phần mới trong khẩu phần. Quá trình này giúp hệ miễn dịch nhận diện các chất dinh dưỡng là an toàn thay vì mầm bệnh, thường mất khoảng hai tuần để thích nghi. Để hỗ trợ hiệu quả, khẩu phần tập ăn nên chứa đa dạng nguyên liệu ở liều lượng thấp, giúp heo con làm quen dần với nhiều loại dưỡng chất mà không gây quá tải cho hệ miễn dịch.
Kiểm soát độc tố nấm mốc
Độc tố nấm thường bị xem nhẹ ở heo con do lượng ăn ít. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy độc tố nấm có thể truyền từ heo nái sang heo con qua nhau thai, sữa đầu và sữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và miễn dịch của heo con.
Có mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độc tố nấm trong khẩu phần ăn và nồng độ trong sữa đầu. Ngay cả hàm lượng thấp deoxynivalenol (DON) cũng gây hại cho heo con, bao gồm: Giảm chiều cao nhung mao ruột; Suy yếu hàng rào niêm mạc; Tăng phản ứng viêm; Rối loạn miễn dịch. Tóm lại, độc tố nấm là mối nguy thường trực, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể của heo con.
Mi Lan
Theo Feed Strategy