Châu Á gỡ nút thắt ngành chế biến trứng gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Do người tiêu dùng châu Á chuộng thực phẩm tiện lợi, nên nhu cầu đối với trứng đã chế biến làm nguyên liệu thô, thực phẩm chế biến sẵn (RTC) hay ăn liền (RTE) ngày càng tăng. Tuy vậy, hầu hết các nước châu Á vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hiện, Singapore, Malaysia và Thái Lan đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp chế biến trứng tại Ðông Nam Á, theo Nourredine El Molaka, Tổng Giám đốc Công ty Sanovo Technology Asia. Ở Nam Á, chỉ có Ấn Ðộ sở hữu ngành công nghiệp chế biến trứng với sản lượng 12.000 tấn/năm. Mặc dù đứng thứ 3 trên thế giới, nhưng chỉ có 6% lượng trứng của nước này được chế biến do trở ngại về cơ sở hạ tầng và thị trường. 

 

Chi phí và kỹ thuật

Joyoputra, Giám đốc hãng sản xuất trứng SIH Group, Indonesia cho biết: “Giá của một máy chế biến dịch trứng hay bột trứng lên đến hàng trăm nghìn USD. Nếu có số tiền này chắc chắn nông dân sẽ lựa chọn đầu tư mở rộng chuồng nuôi. Ngoài ra, họ không hiểu rõ về thị trường và sự cạnh tranh của mặt hàng dịch trứng và bột trứng. Về mặt kỹ thuật, để đầu tư máy, nông dân phải có hàng triệu con gia cầm thì việc đầu tư mới khả thi. Ðồng thời họ cũng phải có nhân viên kỹ thuật để bảo dưỡng máy”.

trứng gia cầm

Ảnh: Freepik

Peeratat Chinakkaraphong, một nhà sản xuất trứng tại Thái Lan cho biết: “Cái khó của ngành kinh doanh sản phẩm trứng đã chế biến hiện nay là vốn và bí quyết kỹ thuật. Tôi cũng lo ngại về những bí mật thương mại. Nếu tôi không tự làm ra sản phẩm thì có thể đi sao chép công thức. Nhưng là một hộ nuôi nhỏ, tôi không có vốn để xây dựng nhà máy”. Dù vậy, ông Peeratat vẫn ấp ủ ý định sản xuất bột protein từ lòng trắng trứng và hiện đang tìm kiếm nguồn tài trợ để nghiên cứu công thức bột trứng và thuê sản xuất bằng nguồn lực bên ngoài.

 

Nắm bắt cơ hội

Vĩnh Thành Ðạt Food (VFood) tại Việt Nam, sản xuất hơn 10.000 quả trứng RTE mỗi ngày. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty VFood cho biết, thị trường trứng tươi đã bão hòa. Chế biến trứng là một lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn, ai nhanh tay nắm cơ hội sẽ dành phần thắng.

VFood đang sản xuất 5 sản phẩm trứng RTE gồm trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng kho và trứng hầm thuốc bắc. Hiện, Công ty đang sản xuất dịch lòng đỏ và lòng trắng. Nhu cầu đối với trứng RTE vẫn ổn định suốt thời kỳ đại dịch, nhưng ông Thiện tin rằng trong dài hạn, các sản phẩm tiện lợi sẽ tăng trưởng mạnh.

Không chạy theo xu hướng sản xuất dịch trứng và bột trứng, nhiều công ty lại hướng đến trứng RTE ăn liền. Theo ông Joyoputra, đây là sự lựa chọn khả thi hơn cho nông dân sản xuất trứng gà tại Indonesia. Shawn Gun, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Safe Egg, Malaysia cho biết: Safe Egg bắt đầu sản xuất trứng RTE bằng phương pháp tiệt trùng vào năm 2009 như tamagoyaki, trứng onsen, trứng luộc chín, trứng luộc lòng đào, trứng ướp gia vị và trứng thái sợi.

Ở Philippines, Hợp tác xã Batangas đang dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến trứng. Mặc dù quy mô nhỏ, nhưng hiện đã sản xuất trứng lỏng, trứng bột và trứng RTE, gồm cả trứng nướng kiểu Hàn Quốc.

Ở Ấn Ðộ, chế biến sâu trong ngành trứng là cơ hội mới và là cách để đa dạng hóa sản phẩm cho các công ty khởi nghiệp như Eggoz. Abishek Negi, người sáng lập Công ty Eggoz cho biết, đang tập trung bán trứng đã đăng ký thương hiệu, trứng gà omega-3. Hiện, chi phí đầu tư đang là thách thức với Công ty. Tuy nhiên, thị trường trứng ăn liền RTE đang phát triển nhanh chóng tại Ấn Ðộ và người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm thực phẩm lành mạnh hơn.

Việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến trứng địa phương cần được hỗ trợ. Eddy Sukianto, Tổng Giám đốc Intan Kenkomayo, Indonesia cho biết, có thể xem giảm thiểu nhập khẩu trứng đã qua chế biến là một giải pháp. Công ty này đang sản xuất trứng lỏng, mayonnaise, nước sốt và nhắm mục tiêu chủ yếu vào ngành dịch vụ thực phẩm. Công ty dự báo nhu cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2022 và đặt mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Ngành chế biến trứng ở châu Á tuy chậm nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng, theo Nourredine El Molaka, Tổng Giám đốc Công ty Sanovo Technology Asia. Việt Nam, Indonesia và Philippines ở Ðông Nam Á; Ấn Ðộ và Pakistan ở Nam Á dường như có tiềm năng tăng trưởng nhất.

Vũ Ðức

         (Theo InternatonalPoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *