Gặp khó vì thiếu thức ăn cho dê
Trong mùa mưa, với 4 sào cỏ và hơn 7 sào nọc tiêu sống, gia đình bà Vũ Thị Dệt ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh không lo thiếu thức ăn cho đàn dê hơn 50 con, nhưng vào mùa khô hạn thì thức ăn trở nên thiếu trầm trọng. Theo bà Dệt, dù bón phân, tưới nước đầy đủ, chăm sóc kỹ nhưng vườn cỏ phát triển rất chậm, chỉ bằng một nửa so với mùa mưa, nên không đủ cung cấp thức ăn cho đàn dê hằng ngày. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, từ đầu mùa khô đến nay, gia đình bà đã bỏ ra gần 40 triệu đồng để mua thêm cỏ, bã mì và cám bổ sung.
Gia đình bà Vũ Thị Dệt dù trồng 4 sào cỏ và 7 sào nọc tiêu sống nhưng vẫn không đủ nguồn thức ăn cho 50 con dê trong mùa khô
Hộ anh Triệu Văn Duy ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp nuôi 20 con dê, nhưng cũng luôn trong tình trạng thiếu thức ăn cho dê vào mùa khô. Ngoài 2 sào đất trồng cỏ, hằng ngày vợ chồng anh Duy phải thay phiên nhau ra bờ suối cắt cỏ hoặc xin thêm cỏ, lá cây từ các hộ xung quanh. Dù nuôi với số lượng ít nhưng từ đầu mùa khô đến nay, gia đình anh đã bỏ ra gần 15 triệu đồng mua thêm bã mì và cám cho dê ăn.
Dù nuôi với số lượng ít nhưng anh Triệu Văn Duy vẫn rất chật vật kiếm thức ăn cho dê
Anh Duy cho hay: “Mùa khô hạn năm nào cũng vậy, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thức ăn cho dê. Để có nguồn thức ăn cho dê, chúng tôi phải đi kiếm khắp nơi, rồi mua thêm cám, bã mì nên rất vất vả. Gia đình nuôi số lượng ít còn đỡ, nhiều hộ nuôi vài chục đến cả trăm con thì càng khó khăn, chật vật hơn”.
Giảm đàn
Hiện giá dê thịt ở mức khá cao, dao động từ 80-120 ngàn đồng/kg, tùy loại. Đối với dê có trọng lượng từ 12-20kg/con, giá bán 120 ngàn đồng/kg; từ hơn 20-28kg/con giá bán 100-105 ngàn đồng/kg và dê cái 30kg/con trở lên giá chỉ còn 70-80 ngàn đồng/kg… Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn thức ăn khan hiếm vào mùa khô hạn, nhiều gia đình phải chọn giải pháp giảm đàn cho phù hợp với điều kiện, khả năng nguồn thức ăn hiện có.
Hộ ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh là một trong những hộ nuôi dê nhiều, luôn duy trì đàn từ 100-120 con. Từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã xuất bán 5 đợt, mang lại thu nhập hơn 130 triệu đồng, nay chuồng dê chỉ còn hơn 40 con. Theo ông Nhật, gia đình chỉ giữ ổn định đàn như hiện nay cho đến mùa mưa có nguồn thức ăn dồi dào rồi mới tái đàn.
Vào mùa khô, hộ ông Ngô Đức Nhật thường giảm đàn để hạn chế chi phí đầu tư mua thức ăn cho dê
Ông Nhật chia sẻ: “Vào mùa khô, nguồn thức ăn khó khăn nên phải giảm đàn, chứ mua cám với bã mì để nuôi với số lượng lớn là lỗ. Năm nay, giá dê ổn định như vậy là rất tốt, một số năm vừa thiếu thức ăn cho dê vừa bị tư thương ép giá thì còn khó khăn hơn”.
|
Theo ông Hoàng Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, chi phí đầu tư nuôi dê không cao lại dễ nuôi, vì vậy nhiều năm trước, chăn nuôi dê trên địa bàn xã Tân Tiến cũng như huyện Bù Đốp phát triển rất mạnh. Vào cao điểm, tổng đàn dê toàn huyện Bù Đốp khoảng 70.000 con. Đây cũng là một trong những mô hình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Trước đây, các hộ nuôi dê chủ yếu dựa vào lá cây lồng mức là nọc tiêu sống. Dù là mùa khô nhưng cây tiêu được chăm sóc tốt nên lá cây của nọc tiêu cũng khá dồi dào, người chăn nuôi không lo thiếu nhiều thức ăn cho dê. Nhưng vài năm trở lại đây, tiêu mất giá, người dân bỏ vườn dẫn đến diện tích tiêu giảm mạnh và nguồn thức ăn cho dê cũng trở nên khó khăn. Vì vậy, vào mùa khô, các hộ dân cần tính toán duy trì đàn hợp lý để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Văn Doàn
Nguồn: Báo Bình Phước