Say mê với con ong đã giúp anh Trần Nìm, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thành công với mô hình nuôi ong lấy mật gắn với phát triển rừng, vườn cây ăn trái, đã mang lại hiệu quả kinh kế cho nhiều hộ dân, góp phần bảo vệ môi trường sống hiện nay.
Anh Trần Nìm phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi là thợ sửa xe, nhưng tôi có người bạn từng làm nghề nuôi ong, cũng nhờ được bạn chỉ dẫn kỹ thuật nuôi, cộng với tự học hỏi thêm nên tôi nuôi thử. Lúc đầu, tôi cũng gặp khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm theo nghề nuôi ong lấy mật nên cũng thành công. Nghề này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi, nhiều hộ dân khác mà còn góp phần cải tạo được một phần đất trồng cây kém hiệu quả, phát triển thêm diện tích trồng rừng và bảo vệ môi trường”.
Anh Nìm kiểm tra các thùng ong lấy mật tại vườn nhà.
Theo anh Nìm, Hậu Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa quanh năm, rất thuận lợi cho những loại cây, bông hoa tươi tốt, đây là điều kiện thích hợp cho các loài ong sinh sống lấy mật. Từ năm 2018, gia đình anh đã tận dụng điều kiện đó mà thực hiện mô hình nuôi ong. Thành công từ việc nuôi ong lấy mật, tạo đàn ong ngoài môi trường tự nhiên, đến năm 2019 anh đã tham gia chương trình OCOP và sản phẩm được bình chọn đạt chuẩn 3 sao.
Nhờ những điều kiện thuận lợi trên, từ năm 2018-2019, gia đình anh Nìm đã đầu tư 300 triệu đồng, tạo được hơn 200 thùng nuôi ong. Mỗi tháng thu về 300 lít mật, sau khi trừ các khoản chi phí còn thu về 60 triệu đồng/tháng và sau 6 tháng đã thu hồi được vốn đầu tư. Theo anh Nìm, mật ong được lấy chủ yếu vào những tháng mùa nắng để có chất lượng ngon, còn những tháng mưa chủ yếu gây đàn là chính. Cứ mỗi thùng ong giống có giá 2 triệu đồng, một tháng đem lại ít nhất 1 lít mật, với giá bán hiện nay là 400.000 đồng/lít. Ngoài sản phẩm mật ong, anh Nìm còn có sản phẩm mật ong nguyên sáp nguyên chất và đây là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thường được dùng để làm thuốc.
Nuôi ong lấy mật được xem là mô hình phù hợp với nhiều gia đình do chi phí đầu tư thấp, vì thức ăn của ong chủ yếu là từ các loài hoa có sẵn trong thiên nhiên. Từ hiệu quả mô hình của gia đình anh Nìm, nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là người dân ở trên địa bàn huyện Long Mỹ và Vị Thủy đã học hỏi và chọn mô hình này để phát triển kinh tế hộ. Từ việc nuôi ong lấy mật, những hộ nuôi ong đã cải tạo được vườn tạp sang những loại cây dừa và phát triển diện tích trồng rừng. Việc làm này không chỉ đem lại thu nhập kép cho người dân nuôi ong mà còn góp phần chung tay phát triển rừng và bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình đã được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ 2, năm 2021 vừa qua của tỉnh.
Theo anh Nìm, hiện nay mật ong từ hoa tràm là loại mật có giá bán cao nhất so với các loại mật khác. Từ đó, mô hình cũng chọn cây tràm là loại cây để phát triển trồng trong mô hình nuôi ong lấy mật. Cây tràm là loại cây rất phù hợp với vùng đất ở Hậu Giang, đặc biệt chịu phèn tốt hơn cây trồng khác. So với các loại cây trồng để tạo hoa cho ong lấy mật thì cây tràm ít chịu tác động bởi các chất hóa học do quá trình canh tác, sản xuất. Nhờ đó, đem lại nguồn mật thật tinh khiết, sạch và an toàn, mang tính thiên nhiên, người dân sử dụng sẽ tốt hơn. Đến nay, từ mô hình nuôi ong lấy mật đã giúp người nuôi gây ra được 20 ha cây dừa và cây tràm.
Đến nay, anh Nìm đã phát triển được 4 tổ hợp tác nuôi ong lấy mật, với 40 thành viên tham gia, có 320 thùng nuôi ong. Bình quân mỗi thành viên nuôi từ 6 thùng ong trở lên. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thêm thu nhập từ việc nuôi ong lấy mật là 2 triệu đồng mỗi tháng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, anh Nìm đã bán thêm được 150 thùng ong giống ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thu về 300 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí đầu tư cũng còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm sáp ong nguyên chất được anh Nìm đăng ký sản phẩm OCOP, để cung cấp cho khách hàng sử dụng an toàn, chất lượng, đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Bài, ảnh: T.Xoàn
Nguồn: Báo Hậu Giang