Những năm gần đây, TP. Sông Công (Thái Nguyên) tập trung phát triển chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của thành phố cũng đối mặt với một số khó khăn, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã có nhiều giải pháp, khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh.
Toàn TP. Sông Công hiện có 147 trang trại và trên 6.800 hộ chăn nuôi với tổng số gần 24.000 con lợn, 3.650 con trâu, bò và trên 1,2 triệu gia cầm. Năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn đạt trên 14 nghìn tấn, tăng hơn 4.500 tấn so với năm 2021.
Trang trại chăn nuôi gà sinh sản và ấp, nở gà giống của gia đình anh Trần Văn Triệu (ở tổ dân phố 4B, phường Phố Cò (TP. Sông Công) áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các xã, phường tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư chuyển chuồng nuôi ra khu vực đã quy hoạch, bố trí quỹ đất tập trung để phát triển trang trại, gia trại; đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải và các loại chất thải khác. Đặc biệt, thành phố khuyến khích các trang trại chủ động phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Kiên quyết không cấp phép, xử lý nghiêm đối các trang trại không bảo đảm biện pháp bảo vệ môi trường và không nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7-2017, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Xanh, thuộc tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, đã xây dựng mô hình trang trại khép kín theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hơn 1.000 con lợn thương phẩm, thu lãi trên 600 triệu đồng. Tại đây, các chuồng nuôi đều có hệ thống vòi uống nước tự động, máng cám inox, hệ thống quạt máy, điều hòa không khí và thảm sinh học.
HTX cũng có hệ thống giàn phun sương sát khuẩn được trang bị từ cửa ra vào đến khu chăn nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh. Trang trại có khu xử lý chất thải riêng, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX, chia sẻ: Việc sử dụng chế phẩm sinh học đã giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, phương pháp này còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Đến với trang trại chăn nuôi gà sinh sản và ấp, nở gà giống của gia đình ông Trần Văn Triệu, ở tổ 4B, phường Phố Cò, chúng tôi thấy chuồng trại không có mùi hôi, chất thải sau khi thu gom được xử lý để làm phân hữu cơ. Ông Triệu sử dụng đệm lót sinh học từ nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật, sau đó kết hợp với vỏ trấu để tạo nền chuồng giúp phân hủy chất thải, giảm mùi hôi, khí độc…
Ông Triệu cho biết: Với quy mô chăn nuôi 16.000 con gà (gồm cả gà sinh sản và hậu bị) mỗi năm nên tôi đặc biệt quan tâm xử lý mùi và chất thải. Bởi nếu không làm tốt điều này thì chắc chắn trang trại sẽ phải đóng cửa bởi cách không xa với các hộ dân, nếu ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Có thể nói, việc xử lý chất thải là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng đàn vật nuôi cũng như sức khỏe của con người. Cùng với giải pháp của chính quyền, các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn TP. Sông Công cũng áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm như: Xây dựng hệ thống chuồng trại theo quy chuẩn kỹ thuật; làm bể, hồ chứa chất thải; áp dụng công nghệ sinh học, men vi sinh; xử lý bằng ủ phân hữu cơ, đệm lót sinh học…
Để ngành chăn nuôi tiếp tục mang lại hiệu quả, trong thời gian tới, TP. Sông Công tập trung thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, ngành chăn nuôi đạt 60% trong cơ cấu nội ngành.
Minh Phương
Nguồn: Báo Thái Nguyên