(Người Chăn Nuôi) – Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 3 và 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 4 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 28/3, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp quý I ước đạt 2,9 – 3% (cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó chăn nuôi tăng 4,34%.
Quý I/2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9 – 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 3 tháng ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8%.
Dây chuyền sản xuất thịt heo với những quy định nghiêm ngặt để xuất khẩu. Ảnh: ST
Cùng đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát nên chăn nuôi phát triển tốt, các sản phẩm chủ lực tăng khá. Sản lượng thịt hơi các loại trên 2 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023). Đàn bò giảm 0,1%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 132.000 tấn, sữa bò tươi hơn 331.000 tấn. Đàn heo tăng 3,3%, sản lượng thịt heo hơi hơn 1,2 triệu tấn. Đàn gia cầm tăng 2,1%, sản lượng thịt hơn 593.000 tấn. Sản lượng trứng đạt hơn 5 tỷ quả. Đàn trâu giảm 2,5%, sản lượng thịt hơi hơn 32.000 tấn.
Về dịch bệnh, tính đến ngày 26/3, cả nước không có dịch cúm gia cầm và tai xanh; Có 37 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại 18 tỉnh; 1 ổ dịch lở mồm long móng tại tỉnh Gia Lai; 8 ổ dịch viêm da nổi cục tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Thống kê cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm đã có hơn 13.500 gia súc, gia cầm bị chết và buộc phải tiêu hủy.
Hiện nay, chăn nuôi đã hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: Doanh nghiệp – trại chăn nuôi, doanh nghiệp – HTX – nông hộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, như: Tập đoàn Quế Lâm hợp tác liên kết triển khai một số mô hình khuyến nông chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ với hình thức là liên kết theo chuỗi giá trị tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên…; mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk…
Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi trong tháng 4, Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị phụ trách chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng, nhất là chăn nuôi heo…
Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cùng đó, theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, tai xanh, viêm da nổi cục,… Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thú y.
Thùy Khánh