(Người Chăn Nuôi) – Trong bối cảnh tình hình chung trong nước và thế giới còn một số khó khăn, nhưng chăn nuôi quý I vẫn tăng trưởng tốt, không có nhiều biến động về giá cả, cơ bản đáp ứng nguồn cung trong nước và một phần xuất khẩu.
Sáng 2/4, Bộ NN&PTNT tổ chức Họp giao ban khối chăn nuôi quý I và triển khai nhiệm vụ quý II. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh cuộc Họp giao ban khối chăn nuôi diễn ra sáng 2/4 tại Bộ NN&PTNT.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, cho biết: Cùng với thời tiết khí hậu khá thuận lợi, không có rét đậm, rét hại kéo dài, các địa phương triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên tình hình chăn nuôi quý I/2024 tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng. Mặc dù tổng đàn trâu giảm 2,5%; đàn bò giảm 0,1% nhưng sản lượng thịt trâu hơi vẫn tăng tăng 0,36% (đạt 32,9 nghìn tấn); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 132,5 nghìn tấn (tăng 1,5%), sản lượng sữa bò ước đạt 331,3 nghìn tấn (tăng 5,2%).
Cùng đó, đàn heo tăng 3,3%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 1293,9 nghìn tấn (tăng 4,6%). Tổng đàn gia cầm tăng 2,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593,8 nghìn tấn (tăng 5,1%); Sản lượng trứng ước đạt 5,0 tỷ quả (tăng 4,8%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I/2024 ước đạt trên 2 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023). Về giá cả, thời gian qua giá heo hơi khá ổn định, cơ bản người chăn nuôi có lãi, trong khi đó giá gia cầm tăng nhẹ.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, ông Dương Tất Thắng cho biết ngành chăn nuôi tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2024, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi và tận dụng những quy định mới về đất dành cho chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai sửa đổi.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi báo cáo tình hình sản xuất của ngành trong Quý I.
Phát biểu góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết: Theo số liệu từ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội, 3 tháng đầu năm, ngành gia cầm phát triển khá tốt so với năm ngoái, sản lượng trứng ổn định. Giá gà trắng giống trung bình 11.000 – 13.000 đồng/con; Giá gà lông màu giống từ 10.000 – 14.000 đồng/con; Giá vịt thịt giống dao động 18.000 – 24.000 đồng/con. So sánh cùng thời điểm tháng 3 trong 3 năm trở lại đây thì giá gà thịt hơi lông màu nuôi công nghiệp trung bình tháng 3/2024 cao hơn, nhưng giá gà thịt hơi lông trắng lại giảm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định ngành hàng gia cầm đang phát triển tốt.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu thức ăn và quy hoạch đất cho chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, thông tin: Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn có chiều hướng đi xuống, các nguyên liệu trong nước đang được tăng cường tận dụng như bột cá, các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp. Hiện nay, một số quy định của Bộ NN&PTNT đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu phát triển. Qua đây, ông Tuế cũng kiến nghị các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi bài bản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những ý kiến, báo cáo rất toàn diện, đa chiều về bức tranh toàn cảnh của ngành chăn nuôi trong quý I/2024. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xuất hiện rải rác nhưng toàn ngành đã luôn nỗ lực để có được những kết quả khởi sắc. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã cùng Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để ngành chăn nuôi có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo ổn định sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả ngành chăn nuôi đạt được trong quý I/2024.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, mặc dù chăn nuôi thời gian qua đã có những bước tiến nhất định nhưng xuất khẩu còn khiêm tốn, do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại. Cùng đó, bám sát và làm chủ công nghệ trong chăn nuôi. “Các thông tư, văn bản của Bộ, Chính phủ; các đề án phát triển ngành chăn nuôi đã có, đề nghị các đơn vị nhanh chóng phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)