Chăn nuôi ổn định giữa thách thức dịch bệnh

(Ngưởi Chăn Nuôi) – Trong 6 tháng đầu năm nay, chăn nuôi nước ta phát triển ổn định, với nhiều tín hiệu tích cực từ sản xuất, kiểm soát dịch bệnh đến xuất khẩu. Giá sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức có lợi cho người dân, trong khi thị trường tiêu thụ trong nước ổn định và các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Chăn nuôi phục hồi mạnh mẽ

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá thịt lợn hơi tăng trong nửa đầu năm đã tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất. Theo ước tính, tổng đàn lợn cả nước đến cuối tháng 6/2025 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 2.698,9 nghìn tấn, tăng 5,9%.

Một số địa phương ghi nhận mức tăng đàn lợn ấn tượng nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Tại Gia Lai, đàn lợn tăng 30%, Kon Tum tăng 20%, đặc biệt tỉnh Tây Ninh tăng hơn 48% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các dự án chăn nuôi quy mô lớn đi vào hoạt động từ đầu năm.

chăn nuôi 6 tháng 2025

Ảnh minh họa: Nguồn: ST

Ngành chăn nuôi gia cầm duy trì đà tăng trưởng ổn định. Tổng đàn gia cầm cả nước tính đến cuối tháng 6 tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2024. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 1.277,3 nghìn tấn (tăng 4,9%), sản lượng trứng gia cầm đạt 10,5 tỷ quả (tăng 4,3%).

Dịch bệnh gia cầm được kiểm soát tốt, chỉ ghi nhận một số ổ dịch nhỏ, không gây ảnh hưởng lớn tới tổng đàn. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục là động lực phát triển với công nghệ và quản trị hiệu quả.

Trái ngược với chăn nuôi lợn và gia cầm, đàn trâu và bò tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế chưa cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Đàn trâu giảm 3,4%, đàn bò giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 62,3 nghìn tấn (tăng 0,3%), thịt bò hơi đạt 261,5 nghìn tấn (tăng 2,2%). Đáng chú ý, đàn bò sữa giảm 0,7%, riêng TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức giảm gần 25%.

Tuy vậy, các doanh nghiệp lớn như TH và Vinamilk vẫn tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong giống và quản lý, giúp duy trì năng suất và chất lượng sản phẩm sữa. Nhờ đó, sản lượng sữa bò tươi 6 tháng đầu năm đạt 680,8 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 

Nửa đầu năm, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt nhiều kết quả tích cực. Riêng trong tháng 6/2025, giá trị xuất khẩu đạt 49,2 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 264,4 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng thịt, phụ phẩm dạng thịt và sản phẩm ăn được sau giết mổ đạt 101,4 triệu USD, tăng mạnh 28,2%. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm trứng và các sản phẩm phụ khác ghi nhận mức giảm 27,8%, đạt 46,1 triệu USD.

Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt 2,11 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu thịt và phụ phẩm sau giết mổ đạt 872,8 triệu USD (tăng 14,5%), sản phẩm sữa và chế phẩm sữa đạt 749 triệu USD (tăng 40,1%).

Riêng với nhóm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh xu hướng tối ưu hóa chi phí đầu vào và tăng cường chủ động nguồn cung trong nước.

Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhìn chung được kiểm soát tốt. Một số bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại song đã được xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng.

Cả nước chỉ còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại Hải Phòng chưa qua 21 ngày, với tổng số gia cầm mắc và tiêu hủy là 2.118 con. Trong tháng 6, phát sinh 17 ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại Cao Bằng, Sơn La. Tính đến nay, cả nước còn 176 ổ dịch chưa qua 21 ngày, tập trung tại 18 tỉnh, với hơn 9.400 con lợn bị tiêu hủy. Đối với bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục và tai xanh chỉ ghi nhận vài ổ dịch nhỏ, không có nguy cơ bùng phát lớn.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ về giống, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh và ưu đãi cho nông dân. Mục tiêu không chỉ giữ ổn định sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, phục vụ tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Cùng với xu hướng mở rộng sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ trong ngành chăn nuôi, nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan, đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *