Chăn nuôi khổ vì dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh liên tiếp ập đến với cả gia cầm, chăn nuôi heo và đại gia súc. Trong đó, đàn heo tại nhiều tỉnh, thành đang bị Dịch tả heo châu Phi (ASF) tái hoành hành; còn trâu, bò căng sức vì bệnh viêm da nổi cục (VDNC).

Dịch bệnh tiềm ẩn

Tại tỉnh Quảng Bình, thời gian qua dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Dịch VDNC trên trâu, bò và ASF đang bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cụ thể, theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 6/5/2021, ASF đã xảy ra tại 27 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố làm 1.260 con heo chết bị tiêu hủy với trọng lượng 77.293 kg. Trong đó có 10 xã/phường đã qua 21 ngày và 17 xã/phường chưa qua 21 ngày. Bệnh VDNC xảy ra tại 122 xã/phường trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố làm 8.086 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 693 con trâu, bò bị chết.

Còn tại Hà Tĩnh, từ cuối tháng 3, ASF đã bùng phát trở lại. Lần này, dịch bệnh diễn tiến nhanh và trên diện rộng, tại 5 huyện gồm: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, với hơn 800 con heo nhiễm bệnh phải đi tiêu hủy. Trong đó, nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ. Cùng với đó, đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện bệnh VDNC. Toàn tỉnh có trên 200.000 con trâu, bò trong diện phải tiêm phòng bao vây dịch.

 

Đồng bộ giải pháp phòng, chống

>> Theo đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Hà Nội, bệnh VDNC trên gia súc tuy gây chết thấp, nhưng tác động về giảm sản lượng sữa, gây viêm vú thứ phát, vô sinh, sảy thai… cho gia súc rất cao. Hơn nữa, thời gian phục hồi kéo dài và gia súc bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể không lấy lại được sức sản xuất như trước.

Để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã tham mưu UBND huyện mua mới 3 máy phun tiêu độc khử trùng, 1.000 lít hóa chất, vôi bột, trang thiết bị lấy mẫu…; Tích cực tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi… Cùng đó, phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn để ngăn chặn các loại bệnh dịch xuất hiện, bùng phát và lây lan trên diện rộng; Đồng thời, khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn chế biến từ gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc. Tính đến ngày 4/5/2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phân bổ 80.300 liều vaccine phòng bệnh VNDC cho các địa phương. Hiện tại, các địa phương cơ bản đã hoàn thành việc tiêm vaccine cho đàn vật nuôi.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện nay, ngoài bệnh VDNC trên trâu, bò và ASF đang bùng phát thì nguy cơ phát sinh bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên gia súc là rất cao do gia súc đang bị bệnh làm sức đề kháng giảm, mầm bệnh đang tiềm ẩn trong môi trường, nhất là các ổ dịch cũ. Thời điểm này, thời tiết đang giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Theo dự báo, mùa hè năm nay, nắng nóng có xu thế diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Để chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo ổn định sản xuất.

Tại Quảng Ninh, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân cải tạo chuồng trại thoáng mát, che phủ mái bằng vật liệu chống nóng, sử dụng quạt làm mát, thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm; Thường xuyên cung cấp đủ nước sạch cho đàn gia súc, gia cầm; Giảm thức ăn giàu năng lượng, tăng thức ăn có nhiều vitamin, khoáng chất, điện giải; Không chăn thả gia súc, gia cầm trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao…

 

Vaccine – không thể chậm trễ

VDNC là bệnh mới xuất hiện trên đàn trâu, bò nuôi của nước ta, thế nên, các địa phương ít nhiều bị động khi dịch bệnh ập đến.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng bệnh VDNC, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn gia súc thuộc diện tiêm thì có thể góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Tiến, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh VDNC rất chậm. Vậy nhưng, hiện không phải địa phương nào cũng đã phê duyệt nguồn kinh phí mua vaccine tiêm phòng bệnh này. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, không nên để có dịch mới tổ chức tiêm phòng, mà cần tổ chức tiêm phòng đồng loạt, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, với tỷ lệ 80% số trâu, bò thuộc diện tiêm.

tiêm vaccine cho bò

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho vật nuôi – Ảnh: CTV

Tại tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thanh Hóa là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng đàn trâu, bò, gia súc và vật nuôi khác. Vì vậy, ngay từ khi chưa có dịch tràn về, tỉnh đã chủ động mua vaccine, triển khai tiêm phòng được hơn 97% con trâu, bò thuộc diện tiêm; Phân công nhiệm vụ giám sát tình hình dịch bệnh đến cấp cơ sở thôn, bản…

Làm nhanh, làm sớm là lý do mà đàn trâu, bò của tỉnh Thanh Hóa vẫn đảm bảo ổn định, không bị dịch bệnh tấn công như các tỉnh Hà Nam hay Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện được như vậy. Bởi theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y, hiện chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là nông hộ nên việc tiếp cận vaccine phụ thuộc vào chính sách của tỉnh. Doanh nghiệp không thể cung cấp với số lượng nhỏ tới từng hộ dân bởi chi phí tăng rất cao. Do đó, cần có sự đặt hàng của địa phương, tuy nhiên, nhiều địa phương hiện vẫn chưa có kế hoạch đặt mua vaccine nên doanh nghiệp khó chủ động. Mà theo ông Long, vaccine đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả sau 21 ngày tiêm nên cần phải tổ chức tiêm phòng sớm. Đây có lẽ là lý do vì sao bệnh VDNC lây lan nhanh và mạnh như thời gian vừa qua.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương đang có dịch bệnh VDNC trâu, bò tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; Chủ động bố trí kinh phí; Tổ chức giám sát phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch, tổ chức tổng vệ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; Giám sát việc buôn bán trâu, bò tại các chợ, điểm tập kết, các khu vực biên giới, lối mòn, cửa khẩu… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bảo Hân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *