Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao: Cần giải pháp tổng thể

Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của Quảng Ninh phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ do giá thành nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thực tế này đặt ra yêu cầu về các giải pháp ứng phó trước mắt, cũng như lâu dài, nhằm ổn định, phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quyết định đến sự sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi thường chiếm 65-70% giá thành, bởi đây là phần chi phí lớn mà người nuôi phải chi trả trong cả quá trình chăn nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cung ứng, phân phối thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh giá theo hướng tăng lên.

trồng cỏ voi cho bò

Công ty TNHH Phú Lâm tăng cường trồng cỏ voi, ngô sinh khối để tạo lượng thức ăn xanh cho bò.

Trong nước, đợt điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi gần đây nhất vào cuối tháng 4 vừa qua đã là đợt điều chỉnh giá lần thứ 11 kể từ năm 2020 đến nay, qua đó tác động đến toàn ngành chăn nuôi của Quảng Ninh. Công bố giá thức ăn mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy so với cuối năm 2021, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn đã tăng gần 20%, với khoảng 13.000 đồng/kg; giá thức ăn cho gà tăng 25 – 30%, dao động trong mức 13.400 – 14.000đồng/kg… Giá các loại nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô hạt, đậu tương đều tăng 40-50% so với trước, với mức giá lần lượt là 10.000 đồng/kg và 16.300 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như trên đương nhiên khiến chi phí cho chăn nuôi đội lên, người chăn nuôi thua lỗ. Lấy ví dụ ở con gà Tiên Yên, nếu người chăn nuôi xuất bán đúng thời điểm, giá bán trung bình 130.000 đồng/kg thì 1.000 con gà lãi 20 triệu đồng/8 tháng nuôi (mỗi tháng được 2,5 triệu đồng). Trường hợp gà xuất bán chậm 1 ngày, 1.000 con gà sẽ tiêu tốn 1 tạ thức ăn, tương đương với 1,3 triệu đồng. Như vậy xuất bán chậm 15 ngày sẽ hoà vốn, xuất bán sau 15 ngày, người chăn nuôi sẽ bị lỗ, chưa kể rủi ro dịch bệnh, hao hụt trong thời gian chưa xuất bán được.

nuôi bò

Đàn bò của Công ty TNHH Phú Lâm hiện có cả chục ngàn con, trong khi chi phí dành cho thức ăn chăn nuôi tăng cao chính là áp lực không nhỏ đối với đơn vị.

Với đàn bò, đánh giá của Chi cục Thú y và chăn nuôi cho thấy, người nuôi đang thu không đủ bù chi, ở con lợn mức lỗ khi xuất chuồng là 700.000-1 triệu đồng/con. Có thể thấy, mặc dù giá bán các sản phẩm chăn nuôi thời gian qua duy trì ổn định, giá con giống giảm, nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

 

Giải pháp ứng phó trước mắt, lâu dài

Từ thực trạng giá thức ăn tăng cao ảnh hưởng đến người chăn nuôi, theo các nhà quản lý, giải pháp trước mắt chỉ có thể là tăng cường canh tác nguyên liệu sản xuất thức ăn tại chỗ, phối trộn, tạo ra khẩu phần thức ăn phù hợp, lấy đó để giảm dần, hoặc thay thế nguồn thức ăn thành phẩm, dạng hỗn hợp bán trên thị trường. Về lâu dài sẽ phải tính đến bài toán thay thế nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bằng nguyên liệu trong nước.

Đáng mừng là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện một số mô hình phối trộn trên cơ sở nguyên liệu có sẵn, tạo ra khẩu phần thức ăn phù hợp cho vật nuôi. Đơn cử như cách làm tại Công ty TNHH Phú Lâm, đơn vị đang nuôi đến hàng vạn con bò mỗi năm, hay tại các hộ chăn nuôi gà của huyện Tiên Yên.

nuôi gà công nghiệp

Giá thức ăn tăng cao tác động bất lợi đến mọi đối tượng nuôi, trong đó có đàn gà nuôi theo hướng công nghiệp. (Ảnh chụp tại cơ sở chăn nuôi gà Tôn Quyền, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) 

Công ty TNHH Phú Lâm xác định lấy nguồn thức ăn tại chỗ, hoặc thu mua được trong nước để thay thế thức ăn nhập khẩu; tăng lượng thức ăn xanh, thô; tạo các công thức phối trộn để đưa ra những khẩu phần thức ăn có lượng dinh dưỡng khác nhau. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Phú Lâm đã tăng diện tích và năng suất trồng cỏ voi, ngô sinh khối lên hơn 2 lần so với trước, trồng sắn cao sản lấy củ để thay thế nguồn nguyên liệu tinh bột, ủ lên men thức ăn xanh, thô, giúp tăng những chất có lợi cho vật nuôi, cũng như tăng dự trữ thức ăn…

Cùng với đó, công ty đã phân loại đàn bò để áp dụng khẩu phần thức ăn phù hợp. Với đối tượng bò duy trì sinh trưởng hoặc phát triển khung xương sẽ có khẩu phần tăng thức ăn thô, xanh, còn loại bò vỗ béo, chuẩn bị xuất bán sẽ tăng lượng thức ăn tinh. Bằng cách làm này, hiện chi phí thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Phú Lâm đang giảm tối thiểu 20% so với trước đây. 

Tương tự là cách làm của các hộ chăn nuôi gà Tiên Yên. Từ giữa năm 2021, UBND huyện Tiên Yên phối hợp triển khai dự án ứng dụng khẩu phần thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Cách làm là sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ, sẵn có, để thay thế dần nguồn thức ăn thành phẩm, chế biến sẵn bán trên thị trường. Cụ thể là phối trộn các nguyên liệu quen thuộc như ngô, thóc, cám gạo, đậu tương, vỏ hải sản… với tỷ lệ đã được nghiên cứu, tạo nên các khẩu phần thức ăn đủ chất dinh dưỡng, sau đó được ép viên để tiện sử dụng và bảo quản.

nuôi gà tiên yên

Nhiều hộ nuôi gà Tiên Yên hiện đang chăn nuôi theo khẩu phần thức ăn tự phối trộn trên cơ sở nguyên liệu tại chỗ, qua đó giảm chi phí sản xuất.

Mục tiêu là khắc phục nhược điểm nhiều mỡ dưới da và nội tạng như khi sử dụng thức ăn thành phẩm bán sẵn trên thị trường, đồng thời giảm chi phí thức ăn, chủ động được nguồn thức ăn ngay cả khi thị trường khan hiếm, hoặc đứt gãy nguồn cung.

Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Yên, việc sử dụng khẩu phần thức ăn được làm từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương đã giúp người nuôi giảm chi phí thức ăn 15-20 triệu đồng/1.000 con gà/chu trình nuôi. Đồng thời đàn gà cũng được nâng cao chất lượng, khi sử dụng sản phẩm giảm mỡ, tăng màu vàng của da, đảm bảo các ưu thế bản địa của gà Tiên Yên. 

Thực tế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian qua đã cho thấy những tác động rất bất lợi đến nguồn thu của các hộ chăn nuôi, lộ rõ điểm mạnh, yếu trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Điều này đặt ra yêu cầu rất bức thiết cần phải thay đổi để có những thích ứng phù hợp, cả trước mắt và lâu dài. Nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã có những giải pháp thích ứng và ngày càng cho thấy tính hiệu quả. Cùng với đó, các giải pháp về vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay đổi cơ cấu vật nuôi, đổi mới quy trình, phương pháp nuôi… cũng đã được đặt ra. Đây sẽ là những giải pháp cho phát triển chăn nuôi bền vững, giá trị cao của Quảng Ninh. 

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Trong kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, chúng tôi đã tham mưu, đề xuất tỉnh tập trung giải pháp trọng tâm về thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, toàn tỉnh từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, chăn nuôi gia cầm thả vườn, sử dụng thức ăn tự phối trộn với nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô hạt, khô dầu các loại, tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối, có thể chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây ngô, sắn làm thức ăn chăn nuôi.

Tổ chức trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã, tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo. Khuyến khích phát triển sản xuất protein từ côn trùng thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu, đồng thời hình thành mạng lưới cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Quảng Ninh có lợi thế về 80% quỹ đất nông nghiệp là đất rừng, có các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, vườn cây ăn quả, vườn đồi… hoàn toàn có thể tận dụng để trồng chuyên canh, hoặc xen canh các loại cây nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh chủ động về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của mình.

Ông Lục Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên: Định hướng cụ thể, quy hoạch rõ các vùng chăn nuôi tập trung và đối tượng nuôi

Ứng phó với tình trạng giá thức ăn tăng cao, thời gian gần đây ngày càng nhiều hộ chăn nuôi gà Tiên Yên tăng cường ứng dụng quy trình xây dựng khẩu phần thức ăn theo dự án ứng dụng khẩu phần thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có được chúng tôi triển khai từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này cũng gặp phải khó khăn do phải phải đầu tư thêm máy nghiền, ép viên vốn chỉ phù hợp với những cơ sở chăn nuôi quy mô tối thiểu từ 500 con gà thương phẩm trở lên. Ngoài ra, một số nguyên liệu bổ sung để phối trộn thức ăn như các axitamin thiết yếu hiện vẫn phải mua từ Hà Nội, ở trong tỉnh chưa có bán.

Việc ứng dụng khẩu phần thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có đã phần nào giải được bài toán giá thức ăn chăn nuôi gà tăng cao như hiện nay, song đây chưa phải là giải pháp lâu dài. Để phát triển chăn nuôi bền vững, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng rất cụ thể, quy hoạch rõ các vùng chăn nuôi tập trung đối với từng đối tượng nuôi, cùng với đó là phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chính để chủ động nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi.

Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lâm: Cần sự phối hợp, hỗ trợ từ các đơn vị chức năng và người dân

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH Phú Lâm có đặc thù nuôi bò thịt vỗ béo, thời gian nuôi 4-6 tháng, lượng thức ăn chăn nuôi sử dụng cho bò rất lớn, nhất là thời điểm vỗ béo để xuất bán. Trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi còn ổn định, chi phí thức ăn của công ty là 25-28%, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí đã lên đến 70-80%. Nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp, công ty sẽ bị áp lực rất lớn, thậm chí lỗ vốn 20-25% khi xuất bán mỗi con bò thành phẩm.

Để giải quyết vấn đề này, ngay từ sớm, Công ty TNHH Phú Lâm đã dành quỹ đất và canh tác vùng cỏ voi, ngô sinh khối, liên kết với các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh về nguồn nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, xây dựng các hầm ủ cỏ và tìm hiểu, áp dụng các công thức để tự ngâm ủ, lên men cỏ voi, cũng như tự phối trộn tạo ra khẩu phần ăn phù hợp. Gần đây nhất, công ty tập trung trồng sắn cao sản để chủ động về tinh bột, thay thế nguồn tinh bột nhập khẩu như ngô hạt, cám, gạo…

Với hướng sản xuất này, chúng tôi rất cần sự phối hợp, hỗ trợ, quy hoạch các vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của các đơn vị chức năng. Đặc biệt, công ty rất cần sự liên kết từ phía người dân, bởi đây vốn là lực lượng có quỹ đất, có sức lao động và kinh nghiệm trong canh tác cây sắn, cung ứng lượng sắn củ để chế biến thành thức ăn tinh cho bò, thay thế các thức ăn tinh nhập khẩu giá ngày càng cao.

Việt Hoa

Nguồn: Báo Quảng Ninh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *