(Người Chăn Nuôi) – Theo Cục Chăn nuôi, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường, nhưng ngành chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, riêng tháng 8 tổng số gia cầm của cả nước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá gà thịt có những biến động khá mạnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá bán gà nuôi công nghiệp và gà thịt hơi xuất chuồng có nhiều biến động. Cụ thể, giá thịt gà lông màu ngắn ngày nuôi công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn giá thành sản xuất, dao động từ 32.000 – 35.000 đồng/kg thịt hơi. Thậm chí, thời điểm giữa tháng 2 và tháng 5, giá bán sản phẩm gà lông trắng chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tiếp trong 6 tháng đầu năm. Sang tháng 7, giá gà tăng lên đáng kể, mức giá cao nhất trung bình 42.300 đồng/kg, tuy nhiên, sau đó lại giảm dần. Sang tháng 8, mức giá trung bình khoảng 35.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. Hiện nay, mức giá trung bình chỉ khoảng 29.300 đồng/kg, trong đó giá gà miền Nam thấp hơn miền Bắc khoảng 10.000 – 13.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm và có sự chênh lệch một phần do tại các tỉnh miền Nam người chăn nuôi liên tục xuất chuồng gà công nghiệp lông trắng.
Diễn biến giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp cả 3 miền
Nguồn: Cục Chăn nuôi
Diễn biến giá gà thịt công nghiệp lông trắng các tháng năm 2023
Nguồn: Cục Chăn nuôi
Nguồn: Cục Chăn nuôi tổng hợp báo cáo doanh nghiệp – địa phương
So sánh giá gà thịt lông trắng xuất chuồng các tháng năm 2022 và 2023
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết thị trường thế giới vẫn còn đan xen các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, các nền kinh tế lớn vẫn tăng trưởng thấp… đã tạo áp lực cho nhiều quốc gia. “Tuy chỉ số hàng hóa những tháng đầu năm có xu hướng giảm, tuy nhiên từ tháng 6 trở đi lại có xu hướng hồi phục trở lại. Sức mua của người dân trong nước cũng đang có dấu hiệu tăng dần. Đây chính là cơ hội để ngành chăn nuôi phục hồi tăng trưởng, người dân mở rộng tái đàn”, ông Duy nhấn mạnh.
Người nuôi gia cầm có thể yên tâm mở rộng đàn. Ảnh: ST
Để chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tốt và phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, chăn nuôi hữu cơ gắn với an toàn dịch bệnh, tăng cường công nghệ sinh học, đẩy mạnh nuôi giống cao sản; phát triển nhà máy chế biến thức ăn, doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân trong khâu con giống phân phối sản phẩm. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra giết mổ, nâng cao năng lực vận chuyển, kiểm soát vật tư, an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát triệt để tình trạng nhập lậu gia cầm trái phép.
Thùy Khánh