Chăn nuôi bò thịt: Phát huy nội lực

(Người Chăn Nuôi) – Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt bò đạt 231.000 tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường khiến tiêu thụ sản phẩm thịt bò trở nên khó khăn.

Đầu tư mạnh

Hết năm 2020, đàn bò trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 100.000 con; Tỷ lệ bò lai đạt trên 90%, đàn bò cái lai sinh sản được lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt có năng suất chất lượng cao như Brahman, Droughtmaster, Red Agus, BBB… thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, trọng lượng bò thịt xuất chuồng tăng từ 172 kg/con (năm 2015) lên 186 kg/con năm 2020. Tính ra giá trị chăn nuôi năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng gần 15% so năm 2015; Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 54,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và chiếm 50,2% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Có thể nói, chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là chăn nuôi bò, được xem như một cuộc cách mạng về tăng giá trị cho ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc. 

Trong khi đó, tỉnh Hà Nam cũng phấn đấu năm 2021, tổng đàn bò sinh sản và bò thịt đạt 29.600 con. Trong đó, đàn bò sinh sản 25.100 con, đàn bò thịt chất lượng cao 4.500 con. Tỉnh Bắc Kạn hiện có 41.905 con trâu, bò 17.934 con. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu duy trì ổn định ở mức 45.000 con, tổng đàn bò duy trì ổn định 20.000 con, số con xuất chuồng bình quân 7.000 con/năm, tương đương sản lượng thịt bò hơi khoảng 1.500 tấn/năm.Thị trường thịt trâu, bò tại Việt Nam có quy mô khoảng 2 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 6 – 7%, được đánh giá là tiềm năng. Năm 2020, tổng đàn bò Việt Nam tăng khoảng 2,5% và tăng tiếp 2,2% trong 2 tháng đầu năm 2021. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm ngoái đạt 371.500 tấn, tăng 4,6%.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và tiếp tục đầu tư nuôi bò thịt. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam Vilico đang có kế hoạch phát triển trang trại bò thịt 20.000 con/năm hợp tác cùng Sojitz (Nhật Bản). Vốn góp của Vilico là 51% và Sojitz là 49%. Công ty đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm. Việc chuyển mạnh từ chăn nuôi bò sữa sang chăn nuôi bò thịt đã cho thấy doanh nghiệp này đề cao tiềm năng tiêu thụ nội địa.

Đầu năm 2021, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) công bố chiến lược “Đầu tư sản xuất nông nghiệp trên 35.600 ha” nuôi 8.000 con bò kết hợp trong vườn cao su tại Lào trong năm nay. Kế hoạch dài hạn đến năm 2023 là phát triển đàn bò 89.000 con tại Lào và 23.500 con tại Campuchia. Tại Việt Nam, dự kiến đầu tư nuôi bò thịt 35.000 con tại Gia Lai với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Lý do mà các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư là sản lượng trong nước mới đạt khoảng 500.000 tấn thịt trâu, bò/năm, vẫn phải nhập khẩu thêm 300.000 tấn/năm.

 

Khó trong phân khúc thị trường

2020 là năm đầu tiên giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vượt mức 1 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,23 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu ở sản phẩm sữa, ngoài ra còn có mật ong, trứng và một số ít từ xuất khẩu thịt. Mục tiêu kế hoạch ngành chăn nuôi trong năm 2021, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt khoảng 565,5 nghìn tấn. Những con số cho thấy, ngành chăn nuôi nói chung đang có những bước tiến vượt bậc dù đại dịch COVID-19 vẫn là thách thức. Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thì vấn đề quan trọng hiện nay là đánh giá sát và đúng nhu cầu của thị trường “trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra đánh giá sát thực tế, dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi”.

thịt bò nhập khẩu

Thịt bò nhập khẩu vẫn đang chiếm ưu thế tại thị trường trong nước – Ảnh: IE

Vấn đề nan giải hiện nay là do ảnh hưởng giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ thịt bò nói riêng và sản phẩm chăn nuôi nói chung hạn chế, trong khi giá thành chăn nuôi lại cao do thức ăn chăn nuôi khan hiếm, tăng giá. Ngay tại thủ phủ chăn nuôi bò là Australia thì rất nhiều trang trại đang thua lỗ do giá thức ăn quá cao trong khi giá thịt bò bán trên thị trường không tăng, sản lượng tiêu thụ giảm. Bò Australia trên thị trường cũng chịu sự cạnh tranh quyết liệt của thịt trâu Ấn Độ vốn có giá rẻ hơn.

Thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn mạnh về tiêu thụ thịt heo, gia cầm và thủy sản. Việc tiêu thụ thịt bò chủ yếu là tại các thành phố lớn, với các món nướng và bò bít tết.  Song việc giãn cách xã hội không tụ tập đông người khiến các quán nướng đều phải đóng cửa. Theo tìm hiểu của phóng viên, thịt bò rất khó tiêu thụ tại các chợ, các siêu thị do giá quá cao, chưa kể việc chế biến thịt bò đối với các bà nội trợ là khá phức tạp.

 

Lo đầu ra cho sản phẩm nội

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác – Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), tiêu thụ thịt bò của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2019 trung bình 9,2 kg/người/năm. Thực tế sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30%, còn lại 70% thịt bò phải nhập khẩu từ các nước. Năm 2020 cả nước đã nhập khẩu 554.900 con trâu, bò sống, tương đương 194.200 tấn thịt và khoảng 161.800 tấn thịt mát gia súc/thịt gia súc đông lạnh. Tháng 11/2020, M.V Al Kuwait, tàu chuyên chở bò lớn nhất thế giới với trọng tải trên 36.000 tấn cao 9 tầng đã cập cảng tại Việt Nam, chở theo khoảng 13.000 con bò Australia nhập khẩu về các trang trại chăn nuôi của Hòa Phát. Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát (thuộc Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát) có sản lượng bán hàng bò Australia chiếm trên 50% thị phần toàn quốc, giữ thị phần số 1 về cung cấp bò Australia tại Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm của Hòa Phát cũng như một số doanh nghiệp khác vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu.

Nhìn từ một góc độ khác, nhiều doanh nghiệp trong nước có tham vọng tổ chức chăn nuôi bò, nhưng trước việc bò ngoại nhập khẩu ồ ạt, trong khi giá thành nuôi bò trong nước cao, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi không còn mặn mà. 

Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Đức Long Gia Lai được triển khai từ năm 2015 tại xã Quảng Phú, Đắk Nông. Quy mô dự kiến của đàn bò là hơn 33.000 con trên diện tích 1.500 ha. Sau 3 năm triển khai, chủ đầu tư điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò mẹ, bò giống.

Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vừa xin tái cơ cấu, điều chỉnh quy mô đàn bò từ 254.000 con/năm xuống còn 35.000 con/năm để trồng thêm chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu. Cùng lúc, Công ty Bình Hà cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 4.500 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng, giảm diện tích dự án từ hơn 2.000 ha xuống chỉ còn hơn 1.000 ha. Theo đại diện của Bình Hà thì họ sẽ dành phần lớn diện tích để trồng trọt, thay vì chăn nuôi bò thịt như khát vọng ban đầu.

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đã đến lúc Chính phủ và các bộ ngành cần có những biện pháp giúp bảo vệ nền chăn nuôi sản xuất bò thịt trong nước, phát triển ngành chăn nuôi căn cơ, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu bò sống và thịt bò chế biến từ nước ngoài về tiêu thụ nội địa. Ngành chăn nuôi bò thịt chỉ có thể phát triển bền vững từ chính nội lực của mình.     

Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Nguyễn Xuân Dương

Thị trường sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ cả hướng thịt, hướng sữa còn rất lớn, theo đó cần phát triển tối đa quy mô chăn nuôi đàn gia súc ăn cỏ theo định hướng của Chiến lược phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương (quy mô cả nước năm 2021 tổng đàn trâu đạt trên 2,4 triệu con, đàn bò đạt 6 triệu con; Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt khoảng 565,5 nghìn tấn). Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cải tạo đàn trâu, bò theo hướng vừa nâng tầm vóc vừa hướng theo chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường.           

Phương Ngọc (Ghi)

Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *