Chấn chỉnh lại hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: (Kỳ 1) Quản lý lỏng lẻo, tiêu dùng dễ dãi

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngăn chặn dịch bệnh động vật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế lâu nay ở Ninh Bình công tác này gần như bị thả nổi.

Nhếch nhác tình trạng giết mổ gia cầm ở các chợ dân sinh

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 1 nghìn điểm giết mổ gia súc, gia cầm, đa phần đều là các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Sản phẩm sau giết mổ được đưa thẳng ra thị trường mà không qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay các chợ lớn, chợ nhỏ trong tỉnh đều đang tồn tại những điểm giết mổ gia cầm tự phát, rất mất vệ sinh. 

Đơn cử như tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình), hàng gia cầm được bố trí ở cuối chợ, giáp sông Vân. Mỗi tiểu thương có một khoảng bán hàng rộng chừng 5 – 6 m2 , ở đó có lồng để nhốt gia cầm sống, bếp, nồi nước làm lông, dụng cụ cắt tiết, xô, chậu… và hầu hết chúng đều ở trong tình trạng hoen gỉ, cáu bẩn. 

Để đáp ứng nhu cầu của khách, những người bán hàng tại đây giết mổ gia cầm ngay tại chỗ. Gà, vịt, ngan, ngỗng được nhúng chung vào một nồi nước sôi, xong đặt ngay xuống nền xi măng để làm lông và mổ. Phần lông, nội tạng được vứt vương vãi trên sàn, tiết loang lổ nhiều nơi, hòa quyện với mùi tanh, mùi phân gà gây ám ảnh. Thế mà ngay cạnh đó vẫn có quán ăn, quán bán hoa quả tươi. 

giết mổ gia súc

Một khung cảnh hết sức mất vệ sinh tại điểm buôn bán gia cầm ở chợ Rồng (thành phố Ninh Bình).

Theo các nhà khoa học, nếu quá trình giết mổ, sơ chế không đảm bảo, các sản phẩm thịt rất dễ nhiễm mầm bệnh như Salmonella, E.coli, giun xoắn… Đây là những vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy hàng đầu. 

Như vậy, rõ ràng việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ, nơi đông dân cư đang gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng tại sao nó vẫn tồn tại mà không hề có sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý của cơ quan chức năng là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Chị Đinh Thị Thanh (phường Vân Giang) giải thích về lý do lựa chọn gia cầm được giết mổ tại chỗ của mình: "Chỉ mất 15 – 20 nghìn đồng tiền công mổ mà về nhà mình đỡ tốn thời gian, công sức, cách rách đun nước, cắt tiết, làm lông. Đặc biệt, với cách này mình không lo mua phải gà đông lạnh, mà giá cả cũng rất phải chăng". Một tiểu thương kinh doanh gia cầm phân trần: "Ở chợ chật hẹp, nguồn nước cũng phải hạn chế nên thiết bị dụng cụ khó mà vệ sinh sạch sẽ được. 

Hơn nữa, gà mang về người ta còn rửa lại rồi qua nấu nướng nữa nên chẳng sao. Tâm lý của khách hàng là phải được tận mắt nhìn thấy con vật còn sống và được làm sạch sẽ chứ nếu mang gà ở các lò giết mổ tập trung về bán sẽ có ít người mua vì chưa tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ". 

 

Đa số cơ sở giết mổ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Giết mổ gia súc, gia cầm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tức là, để kinh doanh hợp pháp ngành nghề này, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu về: Nhân lực, địa điểm, thiết bị, dụng cụ, hệ thống xử lý nước thải… và phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở kinh doanh giết mổ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Cụ thể, theo điều tra, thống kê mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện Ninh Bình có 1.173 điểm giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động với 755 điểm giết mổ lợn, 173 điểm giết mổ trâu bò, dê và các gia súc khác, 245 điểm giết mổ gia cầm. Trong số này chỉ có 44 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chiếm chưa tới 4% tổng số cơ sở); 707 cơ sở được kiểm tra định kỳ (chiếm 60% tổng số cơ sở). 

Ông Phạm Văn Hoàng, Phó Trưởng Trạm kiểm dịch và chẩn đoán bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) thông tin: Toàn tỉnh chưa có một cơ sở giết mổ tập trung nào. Hiện tại, toàn bộ hoạt động này đều được thực hiện tại các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở mỏng, thiết bị thiếu nên rất khó khăn trong việc quản lý. Thực tế, có tình trạng một số chủ hộ giết mổ tranh thủ cơ hội mua gia súc, gia cầm ốm, chết về giết và tiêu thụ kiếm lời. Đây chính là nguy cơ lớn làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Cũng theo ông Hoàng, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm phần lớn được thực hiện ngay dưới nền nhà, nền sân, ở các địa điểm được tận dụng trong khuôn viên gia đình với diện tích chật hẹp, giữa chợ. Các khu vực trong điểm giết mổ không được thiết kế tách biệt; chất thải, nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường. 

Người trực tiếp giết mổ gia súc, gia cầm hầu hết chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức và hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa có ý thức chấp hành vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất. Kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại các điểm giết mổ này đều có chỉ tiêu về vi sinh vật gây ô nhiễm vượt mức cho phép. 

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu (còn nữa)

Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *