Những năm gần đây, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây thiệt hại cho người chăn nuôi ở tỉnh Cao Bằng. Nhiều hộ chăn nuôi sợ thiệt hại, chưa dám tái đàn.
Trong bối cảnh đó, ngay sau khi vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi được cấp phép lưu hành, tỉnh Cao Bằng đã cấp kinh phí cho ngành nông nghiệp mua vaccine, cấp cho các huyện, thành phố thực hiện tiêm phòng. Nhưng tiến độ tiêm phòng đang chậm trễ, cần được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Người dân xóm Pác Háo, xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng mong muốn đàn lợn trong xóm sớm được triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.
Người chăn nuôi chờ mong
Pác Háo là xóm thuần nông ở xã Lê Chung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chính của người dân nơi đây. Hiện, trong xóm có đàn trâu, bò 82 con và đàn lợn khoảng 300 con.
Chia sẻ về ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đến kinh tế người dân, Trưởng xóm Pác Háo, Hứa Thế Hữu cho biết, từ năm 2019 đến năm 2021, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong xóm. Hàng tấn lợn hơi phải chôn lấp, tiêu hủy.
Thiệt hại nặng có gia đình ông Đoàn Ngọc Trường, phải tiêu hủy, chôn lấp gần 20 con lợn; gia đình ông Đoàn Ngọc Anh, tiêu hủy, chôn lấp 4 con lợn nái và 6 con lợn thịt.
Cán bộ thú y tỉnh Cao Bằng lấy mẫu bệnh phẩm và chôn lấp lợn nghi mắc dịch tả lợn châu Phi.
Từ năm 2019 đến năm 2021, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong xóm. Hàng tấn lợn hơi phải chôn lấp, tiêu hủy. Thiệt hại nặng có gia đình ông Đoàn Ngọc Trường, phải tiêu hủy, chôn lấp gần 20 con lợn; gia đình ông Đoàn Ngọc Anh, tiêu hủy, chôn lấp 4 con lợn nái và 6 con lợn thịt.
Ông Hứa Thế Hữu, Trưởng xóm Pác Háo, xã Lê Chung (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng)
Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ năm 2022 đến nay, được huyện hỗ trợ thuốc phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, hằng quý, người dân xóm Pác Háo định kỳ phun thuốc, rắc vôi bột, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Nhờ đó, 2 năm nay, 2022 và 2023, đàn lợn trong xóm không bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại. Nhiều hộ đã tái đàn, phát triển chăn nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, lo lắng dịch tả lợn châu Phi có thể gây thiệt hại kinh tế gia đình.
Do đó, người dân mong muốn đàn lợn của mình sớm được triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Xóm đã đăng ký với xã, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được thông báo về nguồn cấp vaccine, thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn, Trưởng xóm Hứa Thế Hữu cho biết.
Tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nuôi lợn cũng là một “nghề” chính để phát triển kinh tế của nông dân nơi đây.
Đồng chí Nông Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Kim chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều gia đình vẫn chưa dám tái đàn vì sợ thiệt hại. Hiện, đàn lợn trong xã có gần 3.000 con.
Cuối năm 2023, được cấp 190 liều vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, xã đã triển khai tiêm phòng cho đàn lợn. Theo kế hoạch, sang năm 2024, số lượng vaccine được cấp sẽ nhiều hơn; khi được cấp vaccine, địa phương sẽ khẩn trương triển khai, phối hợp, tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, đáp ứng chờ mong của người dân.
Chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, những năm gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi tại địa phương.
Cụ thể, năm 2021, có hơn 10 nghìn con lợn phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 514 tấn. Năm 2022, có 3.682 con phải tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 150 tấn. Trong năm 2023, đã có 1.419 con lợn phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 70 tấn.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi phun thuốc, rắc vôi bột, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Người dân thành phố Cao Bằng phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi.
Đến cuối năm 2023, khi vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi được cấp phép lưu hành, tỉnh Cao Bằng đã bố trí ngân sách, mua vaccine, hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn lợn.
Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, đến nay, ngân sách tỉnh đã chi hơn 2 tỷ đồng mua 31 nghìn liều vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Công ty phân phối sản phẩm hỗ trợ địa phương thêm 5.000 liều vaccine. Tổng cộng địa phương có 36 nghìn liều vaccine.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 20/11 đến ngày 8/12/2023, ngành nông nghiệp đã chuyển 23.180 liều vaccine cho các huyện, thành phố để triển khai tiêm phòng cho đàn lợn.
Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai tiêm phòng chậm. Theo tổng hợp số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, đến ngày 15/12, các địa phương mới thực hiện tiêm được 3.308 liều, bằng hơn 14% tổng số vaccine đã được cấp.
Trong đó, chỉ có 5/10 huyện, thành phố đã thực hiện tiêm phòng. Huyện Nguyên Bình tổ chức tiêm được 1.838/3.000 liều vaccine đã được cấp, đạt tỷ lệ cao nhất trong các huyện, thành phố. Còn có 5 huyện và thành phố Cao Bằng chưa thực hiện tiêm phòng.
Trước thực tế đó, ngày 15/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã ban hành công văn số 3380/SNN-TT&CN, do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Truân ký, gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về tập trung triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đề nghị các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng thú y cơ sở, triển khai tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn.
Chia sẻ về khó khăn triển khai tiêm phòng vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, đồng chí Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình cho biết, lực lượng cán bộ thú y mỏng. Hiện, trong huyện có 9 cán bộ khuyến nông – thú y viên, ở 9/17 xã, thị trấn, cho nên tiến độ thực hiện tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi chưa được như mong muốn.
Trước thực tế tiến độ triển khai, thực hiện tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi chậm, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh Cao Bằng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức lực lượng, sớm thực hiện tiêm phòng hết số vaccine được cấp.
Lực lượng cán bộ thú y mỏng. Hiện, trong huyện có 9 cán bộ khuyến nông-thú y viên, ở 9/17 xã, thị trấn, cho nên tiến độ thực hiện tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi chưa được như mong muốn.
Đồng chí Hoàng Thị Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình
Bởi, nếu không có giải pháp quyết liệt hơn, và sự quan tâm tâm chỉ đạo, việc chậm trễ trong tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương.
Dự kiến, trong năm 2024, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục cấp kinh phí, mua 107 nghìn liều vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng dịch cho đàn lợn.
Nếu không có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thì chính sách này sẽ chậm đi vào thực tiễn và chậm phát huy hiệu quả bảo vệ đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại kinh tế của người chăn nuôi.
Minh Tuấn