Chống nóng cho vật nuôi
Những ngày nắng nóng gay gắt, gia đình bà Phạm Thị Thu Sương, hộ chăn nuôi quy mô hơn 100 con heo thịt và heo nái ở ấp 5, xã Đồng Tâm đã bật hệ thống phun sương và quạt mát cho đàn heo. Bà Sương cho biết, nắng nóng làm vật nuôi giảm sức ăn, mệt mỏi, nhất là heo nái. Do đó, ngoài việc thường xuyên tắm cho heo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới phun sương ở chuồng heo thịt và hệ thống quạt mát ở chuồng heo nái, đồng thời điều chỉnh phần ăn, hạn chế cho ăn vào buổi trưa.
Các hộ nuôi dê thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát để phòng tránh các bệnh dễ mắc trong mùa nắng nóng
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi heo, bà Sương chia sẻ: “Trong mùa hè, đặc biệt những ngày nắng nóng đỉnh điểm, thực hiện phun sương làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi và làm mát đàn heo là rất cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc để tăng khả năng miễn dịch. Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan”.
Nhờ các ưu điểm như ăn tạp, dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh, sức đề kháng cao, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra ổn định nên chăn nuôi dê đang ngày càng được nhiều hộ lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Thuận Phú, người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi dê cho hay: “Dê có 2 nguồn thức ăn chính là thức ăn thô và tinh. Thức ăn thô gồm cỏ xanh và cỏ khô; thức ăn tinh gồm bột đậu, cám gạo và bột ngô. Mùa nóng cho dê ăn 2 bữa chính vào sáng và chiều khi trời mát, dê ăn khỏe; hạn chế cho ăn vào buổi trưa khi thời tiết nắng nóng, dê ăn kém. Khi nhiệt độ lên tới 38OC nên bổ sung cho dê chất điện giải tăng khả năng đề kháng để chống chịu nhiệt độ cao”.
Chị Tâm chia sẻ thêm, hằng ngày phải vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh, đảm bảo nền chuồng sạch sẽ, khô ráo, có gió lùa vào để làm mát. “Tôi làm chuồng nuôi dê dưới tán cây to để tận dụng bóng mát. Đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cho đàn dê” – chị Tâm cho biết.
Những ngày qua, gia đình anh Điểu Thành ở xã Thuận Lợi đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn bò. Theo anh Thành, bò chịu nắng, nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng kéo dài trâu, bò sẽ phát sinh nhiều bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp. Vì vậy, anh đã chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp thêm nước uống, khi trời mát thì chăn dắt bò đi ăn cỏ tươi.
Chủ động bảo vệ, chăm sóc
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng thú y cơ sở phối hợp với ban ấp tăng cường giám sát lâm sàng đàn gia súc, gia cầm. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn trâu, bò, heo; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, an toàn chăn nuôi. Thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn huyện đợt 1 năm 2024, tiêu độc, khử trùng cho hơn 5.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thời tiết nắng, nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng… Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông đàn gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể vật nuôi và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt gia súc tại chuồng hoặc khu vực có cây xanh, bóng mát; bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi phun nước lên mái hoặc phun sương trong chuồng nuôi. Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi.
Bên cạnh đó, các hộ cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh truyền nhiễm.
Cẩm Nhung
Nguồn: Báo Bình Phước